Mobifone 'bỏ của chạy lấy người', dân cho thuê đặt trạm BTS dở khóc dở mếu

Cây cối bị đốn hạ ngổn ngang, đất đai bừa bộn, vật liệu vung vãi, bùn đất nhão nhoẹt..., như bãi chiến trường. Đó là những gì còn lại tại 3 điểm trạm thông tin di động (BTS), chi nhánh TCty Viễn thông Mobifone thuê xây dựng rồi bỏ dở tại xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Bất chấp thủ tục

Theo ông Nguyễn Văn Tình (SN 1962) ở xóm 12 thì một ngày đầu tháng 3/2015, có người đàn ông tự xưng tên Tuấn đi xe máy đến trinh sát địa hình nhà ông rồi vào đặt vấn đề thuê mặt bằng xây trạm BTS. Nghe nói trạm viễn thông nhà nước, ông Tình gật ngay.

Ông Nguyễn Văn Tình

Ngày 15/3, Tuấn đưa 5 người đàn ông đi xe con về nhà ông Tình. Tuấn chỉ một người giới thiệu là ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc. Hai bên ký hợp đồng số 134/2016/HĐ-TMB, thuê mặt bằng đặt trạm thông tin di động, tại tọa độ 19,181422; 105,652482.

Đơn vị thuê mặt bằng là BQL dự án hạ tầng 1 - Chi nhánh TCty Viễn thông Mobifone, địa chỉ số 811A, đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội) do ông Dũng có số điện thoại 0432151523 làm đại diện.

Các điều khoản ký kết gồm xây dựng lắp đặt cọc ăng ten độ cao 45m, xây dựng hệ thống tiếp đất chống sét, lắp đặt phòng máy, đặt thiết bị BTS, thời hạn cho thuê 10 năm, giá 2.500.000 đ/tháng, thanh toán 6 tháng/lần…

Số tiền 2.500.000 đ/tháng ở nông thôn là rất lớn nên bên B yêu cầu cái gì, ông Tình làm cái đó dù chưa được trả đồng nào. Ông đốn hạ 50 cây keo, bạch đàn đang độ lớn để có đủ 300m2 mặt bằng giao cho bên B.

Bên B huy động máy ủi, ủi đất, dọn đường. Đất từ con đường này lấp luôn cái bể đựng nước, lấp cả cái nhà bếp lên đến gần hết cửa sổ nhưng ông Tình vẫn vui vẻ vì được hứa: “Chúng tôi sẽ bồi thường trọn gói”.

Cùng lúc, vật liệu được chở về. Tuy nhiên, sau khi có mặt bằng, đào được 4 hố sâu để đổ móng, thì đột nhiên, đơn vị này ào ạt cẩu vật liệu chuyển đến một điểm khác là đất nhà cụ Nguyễn Thị Tâm 90 tuổi ở xóm 11, cách nhà ông Tình 2km thi công. Theo tìm hiểu của ông Tình thì do thuê được rẻ hơn nên họ bỏ chỗ của ông.

Tuy nhiên tại đây, khi giải phóng mặt bằng, san lấp đào móng xong, do nằm trong khu dân cư nên nhân dân xung quanh ngăn cản. Một lần nữa, chủ nhà nơi “được” thuê lại lãnh chịu hậu quả y như ông Tình.

Cũng rơi vào trường hợp trên, anh Nguyễn Trọng Toàn (SN 1970) ở xóm 5 ký hợp đồng số 143 cũng do ông Dũng đại diện với tất cả các điều khoản như nhà ông Tình và cụ Tâm. Đơn vị thi công chở đất, đá đến vùi mất của anh 1/2 cái ao, ½ ruộng lúa đang thì con gái, đốn hạ hơn chục cây bạch đàn đang thì phát triển.

Hiện trường nhà anh Toàn

Khi đơn vị này bắt đầu đổ móng, thì bị UBND xã đình chỉ. Gia đình anh rơi vào tình trạng dở khóc dở cười chờ đợi từng ngày.

Đem con bỏ chợ

Ông Nguyễn Sỹ Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết tại cả 3 điểm, hai bên tự ký hợp đồng với nhau không thông qua chính quyền địa phương.

Còn ông Nguyễn Đình Tố. Phó Chánh văn phòng UBND huyện Quỳnh Lưu khẳng định. việc xây dựng trạm BTS chưa có giấy phép xây dựng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, chưa được Phòng TN-MT huyện thẩm định.

Sáng 17/8 chúng tôi trực tiếp đến 3 địa điểm nêu trên. Tại mảnh đất ông Tình, 4 hố định đổ cột đã bị múc sâu như cái giếng. Đất cát bẩn thỉu tràn vào bể cạn, nhà bếp mỗi khi mưa xuống, đường đi vào nhà nhầy nhụa, bẩn thỉu vì bị lớp đất mới đào tràn lấp.

Bể cạn và nhà bếp ông Tình bị lấp

Ông Tình nói mà như khóc: “Khi thuê, anh Tuấn cho tôi số điện thoại 0917.032.123 dặn có việc gì cứ điện vào đây. Nhưng mấy tháng qua, tôi liên tục điện mà không được trả lời. Họ không làm nữa thì báo lại, san lấp mặt bằng, đền bù thiệt hại cho tôi, tại sao im lặng, giờ tôi biết kêu ai?”.

4 cái hố tại nhà anh Toàn ngập đầy nước. Ao và lúa bị vùi lấp bởi đất đá, cây bị đốn hạ ngổn ngang. Anh cho biết: “Họ định chuyển xi và thép đi nhưng tôi không cho, họ kiểm kê bắt tôi ký vào. Nhà tôi có con nhỏ, những hố kia luôn tiềm ẩn nguy cơ rình rập. Đất đá họ đổ xuống san lấp quá nhiều không có máy múc đi để trồng lúa, hay thả cá. Giờ biết làm sao?”.

Hợp đồng thuê đất

Chúng tôi trực tiếp liên hệ vào máy anh Tuấn, anh khẳng định: “Tôi chỉ là người làm thuê, đi tìm mặt bằng, còn thuê được hay không do hai bên”. Liên hệ hàng chục lần vào máy ông Dũng in trong hợp đồng. Chuông liên tục đổ nhưng không ai bắt máy.

Nghiên cứu hợp đồng có đến 8 trang, được lập thành 6 bản, chúng tôi nhận thấy: Không có phí đặt cọc, không có điều khoản phạt nếu bên B đơn phương chấm dứt. Công ty ở tận Hà Nội nên khi xảy ra sự cố, người cho thuê không biết đâu mà tìm.

Đơn vị thuê đất không làm theo trình tự, bất chấp mọi thủ tục. Họ không thông qua các cơ quan chức năng địa phương, cứ thế làm liều, không làm được thì bỏ, hậu quả người cho thuê đất gánh chịu. 5 tháng trôi qua, 3 hộ dân này vẫn chờ đợi trong vô vọng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mobifone-bo-cua-chay-lay-nguoi-dan-cho-thue-dat-tram-bts-do-khoc-do-meu-post172898.html