Mổ xẻ cách giữ ấm của áo sinh nhiệt

Với cái lạnh buốt giá, chiếc áo sinh nhiệt sẽ giúp người mặc cảm thấy ấm áp hơn.

Giá cao do... xách tay

Chỉ cần gõ tìm kiếm trên Google, hàng triệu kết quả về áo sinh nhiệt được hiện ra với các mẫu mã cùng lời quảng cáo “có cánh”. Theo quảng cáo, áo sinh nhiệt được làm với công nghệ hiện đại bằng các sợi micro acrylics siêu nhỏ giúp làm ấm cơ thể, hạn chế sự tỏa nhiệt ra môi trường. Áo còn hoạt động dựa trên nguyên tắc hấp thụ độ ẩm cơ thể, sự chuyển động của các giọt nhỏ sinh ra nhiệt giữ cho cơ thể luôn ấm áp.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Bạch Mai, Hà Nội) một người bán hàng xách tay cho biết, hiện có hai dạng áo sinh nhiệt được sản xuất bởi Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất cả đều là hàng xách tay, tức được đưa về Việt Nam theo đường du lịch hoặc thông qua nhân viên hàng không. Vì qua nhiều khâu nên giá áo dao động khoảng 400.000 – 500.000đ/cái. Cũng có người bán chỉ gần 300.000đ nhưng không rõ sản phẩm có đảm bảo sinh nhiệt hay chỉ là hàng nhái.

“Theo tôi biết cũng có những hàng nhái, sinh nhiệt ít, giặt nhanh bị dão, hoặc sau khi giặt áo không còn tác dụng”, chị Huyền cho hay.

KS Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Dệt may cho biết, ông đã mua dùng thử để nghiên cứu về loại vải cách và sinh nhiệt này. Theo ghi nhận, áo có cảm giác ấm, nhẹ và mỏng. Tuy nhiên, giá đang rất cao, khoảng 480.000đ.

Theo quảng cáo, áo sinh nhiệt được làm với công nghệ hiện đại bằng các sợi micro acrylics siêu nhỏ giúp làm ấm cơ thể.

Theo quảng cáo, áo sinh nhiệt được làm với công nghệ hiện đại bằng các sợi micro acrylics siêu nhỏ giúp làm ấm cơ thể.

Chọn áo theo công nghệ

Theo KS Nguyễn Đức Hoàn, hiện có ba công nghệ chính sản xuất vải cách nhiệt. Dựa vào công nghệ đó, các sản phẩm được thiết kế bó sát cơ thể để tận dụng lực ma sát để sinh nhiệt.

Phương pháp thứ nhất là sử dụng phương pháp vật lý bằng cách trộn vào xơ sợi các oxit như kẽm, titan, vàng, bạc... Bằng cách áp dụng nguyên tắc cách nhiệt, sợi còn có thêm hiệu ứng bức xạ hồng ngoại làm nóng bề mặt đồng nhất bằng cách kích hoạt chuyển động phân tử. Mức nhiệt này được nghiên cứu có bước sóng phù hợp với nhiệt độ cơ thể là 36 độ C. Tức, chỉ cần có sự cọ xát của cơ thể với áo sẽ sản sinh ra nhiệt giúp giữ ấm cơ thể.

Phương pháp thứ hai là sử dụng cấu trúc xơ rỗng để cách nhiệt. Lúc này, xơ được nghiên cứu và sản xuất các hình thái đặc biệt với các lỗ rỗng nhiều hơn bình thường để ngăn nhiệt từ ngoài tác động vào cơ thể. Đồng thời, giữ được nhiệt do quá trình sinh nhiệt do mặc bó sát và cọ xát tạo ra. Các sợi này có thể có tính năng giống len. Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể thấy được độ rỗng mà phải soi dưới kính hiển vi. Phương pháp thứ ba dùng polyme để tráng phủ bề mặt ngoài. Đây cũng chính là dạng áo gió đang được sử dụng hiện nay.

Theo vị chuyên gia này, mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng, nhưng đánh giá trên tiêu chí thân thiện với da như thấm thoát mồ hôi, cách nhiệt, hạn chế gây dị ứng... thì phương pháp vật liệu rỗng được ưa chuộng và tốt nhất. Bởi đây là bản thân xơ sợi có cấu trúc nên ít xảy ra tương tác hóa học. Riêng phương pháp trộn thêm oxit có thể gây dị ứng hoặc mất tác dụng sau một thời gian giặt và sử dụng.

Theo các chuyên gia, để tránh mua nhầm hàng cần tìm hiểu rõ nguồn hàng định mua, tìm hiểu công nghệ sử dụng.

Thu Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/mo-xe-cach-giu-am-cua-ao-sinh-nhiet-295703.html