Mò vầu trên sông Thương

Đó là một cái nghề theo tiếng địa phương của vùng sông nước Yên Dũng (Bắc Giang)... được hiểu là nghề lặn xuống đáy sông tìm con vầu, con trai bán làm vật liệu khảm đồ gỗ.

“Làm ngốc vầu (mò vầu) chỉ cần cái phao, 20 m dây thừng và một cái xề là có thể hành nghề. Quan trọng nhất là phải khỏe, quen sông nước và biết lặn ”, ông Đỗ Văn Yên, ở xã Đức Giang, được mệnh danh là “rái cá” trên sông Thương, giải thích. Đánh đổi cùng sông nước Ông đã có thâm niên những 40 năm đi ngốc vầu. Giờ đã ngoài 60, ông Yên vẫn vật lộn với nghề bởi đã quen với sông nước và cũng không biết làm nghề nào khác. Trước đây, Trung Quốc thu mua vầu nhiều, giá cao, nên người ta đua nhau đi ngốc vầu. Nay, vầu rớt giá thê thảm, nhiều người bỏ vầu chuyển sang ngốc trai. Tuy nhiên, năm ngoái, giá 1 kg vỏ trai bán ở các làng nghề từ 22.000- 25.000 đồng, nhưng giờ chỉ còn 5.000 đồng. Thịt trai thương phẩm cũng chỉ 7.000 đồng một kg. “Đó đã là được giá, do dịch lợn tai xanh, người ta chuộng thịt trai. Chứ bình thường thì khó có cái giá đó lắm. Cũng may các làng nghề chạm gỗ ở Hà Nội, Bắc Ninh còn chuộng vỏ trai để khảm gỗ, nên còn đầu ra”, ông Chu Văn Đối, cũng là người có thâm niên trong nghề ngốc vầu xã Đức Giang, huyện Yên Dũng nói. Đi ngốc vầu, trai mỗi năm chỉ làm từ tháng 3 tháng 5. Những tháng sau đó nhường cho mùa lũ và mùa đông lạnh giá. Thợ ngốc vầu đi từ trưa đến tối mịt phải đến vài trăm lần lấy hơi, rất mất sức. “Nghề này nhọc lắm. Ngày nào khá thì mò được 40-50 kg trai, thu nhập khoảng 170.000-200.000 đồng, nhưng bạc cả người. Mà khoản thu nhập này phải dành cho những tháng không thể làm nghề nên chẳng có ai theo nghề mà khá giả”, ông Yên buồn bã kể. Cũng vì vậy mà hầu hết người đi ngốc vầu thường là những người có tuổi ngoại tứ tuần, chịu cực khổ và quen sông nước. Thời hoàng kim Những năm 1987-1988, nghề ngốc vầu cực thịnh. Nhiều người bỏ ruộng đồng để gia nhập đội quân ngốc vầu. Thời điểm ấy, giá vầu cao ngất ngưởng. Người dân ở đây kể rằng, trên sông Thương, đoạn từ xã Hương Gián đến ngã ba Nhãn, thuộc xã Đức Giang, cả tuyến sông đông nghịt người mò vầu, trai, sò… “Vầu, trai lúc đó giá cao lắm. Bắt được con trai chừng 3kg, bán đủ cho cả nhà ăn trong một tuần. Ông Yên khoe: “Năm 1987, chỉ 3 ngày đi ngốc vầu, tôi kiếm cả tấn thóc”. Cũng vì vậy mà đoàn quân ngốc vầu Yên Dũng không chỉ hành nghề ở sông Thương mà tỏa đi khắp sông Đáy (Ninh Bình), sông Lô (Tuyên Quang), sông Lam (Nghệ An) đến sông La (Hà Tĩnh)… Nhiều lão ông tuổi trên 60 vẫn “máu” đi ngốc vầu. Ngụp lặn sâu hơn chục mét dưới đáy sông, những thợ lặn, ngoài bắt vầu, trai, còn nhặt nhạnh than đá rơi từ sà lan chở than, sắt thép chìm dưới lòng sông. Thậm chí cả cây gỗ trôi từ thượng nguồn về… Thứ nào bán cũng có tiền. Cũng vì “say” kiếm tiền mà rất nhiều người trả giá bằng tính mạng. Ông Yên từng chứng kiến 4 - 5 đồng nghiệp đi mãi không về. Người bị kẹt đá, vướng sắt không nổi lên lấy hơi được rồi chết chìm. Người vì bệnh cao huyết áp, lặn hụp dưới độ sâu trên chục mét bị áp suất lớn, dẫn đến nhồi máu cơ tim thiệt mạng... Chưa hết, những người đi ngốc vầu đều bị bệnh về mắt, da, đường hô hấp do ngâm nước quá lâu, để lại nhiều di chứng bệnh tật. Nhưng vì là nghề tự do, nguồn lợi có sẵn dưới sông, nên dẫu đã được cảnh báo nguy hiểm, dân vùng này vẫn bám lấy làm nghiệp sinh nhai. Đoàn Tân

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Mo-vau-tren-song-Thuong/20109/113214.datviet