Mô hình trường học kết hợp trang trại: Giảm tình trạng 'dạy chay, học chay'

Trường học gắn với trồng trọt, chăn nuôi, gắn với cộng đồng; trường học gắn với du lịch, kinh doanh… đó là những mô hình trường học gắn với thực tiễn được Sở GD&ĐT Lào Cai triển khai từ năm học 2014-2015.

Ông Trần Thế Sơn, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Bảo Thắng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết năm 2014, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Do đặc thù địa phương có nhiều rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, trường đã đưa ra mô hình trồng nấm để tận dụng nguồn nguyên liệu này. Hai giống nấm được trường đưa vào nuôi cấy là nấm sò và nấm rơm.

“Trong quá trình trồng, vận dụng kiến thức liên môn, những vấn đề phát sinh đã được các học sinh tham gia giải quyết. Nước tại khu vực có nồng độ sắt cao, không tốt cho cây nấm phát triển, học sinh đã sử dụng nước vôi trong để khử sắt. Các em cũng dùng kiến thức sinh học để khử nấm độc hại, vi khuẩn lạ trong rơm rạ trước khi trồng” – thầy Sơn cho hay.

“Các em được nhìn thấy hiệu quả thực tế khi ứng dụng những lý thuyết trong SGK. Chính vì thế, em nào cũng hào hứng. Từ mô hình của trường, nhiều em còn phổ biến kiến thức cho gia đình để cùng trồng nấm, tăng thêm một nguồn thực phẩm sạch cho gia đình” – thầy Sơn khẳng định.

Cũng theo thầy Sơn, từ đợt trồng đầu tiên đã thành công nên ai cũng phấn khởi. 60kg đến một tạ nấm là doanh số mà thầy và trò trường THPT số 3 Bảo Thắng thu được mỗi đợt trồng. “Số nấm này cũng chỉ đủ bán cho các thầy cô trong trường. Hiện tại, thầy cô và các em học sinh đang bắt đầu thu gom rơm do bà con vừa thu hoạch xong vụ lúa mùa. Sau đó rơm sẽ được ủ và tiến hành cấy phôi nấm. Từ khi cấy phôi đến khi thu hoạch cũng khoảng hơn một tháng” – thầy Sơn cho hay.

Thầy Sơn cho biết mô hình trồng nấm của trường đã được viết thành một tập tài liệu. Sở GD&ĐT Lào Cai cũng đã xin ý kiến của Sở NN&PTNT. Sau đó, Sở có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT đề nghị cho phép trường THPT số 3 Bảo Thắng được đưa mô hình trồng nấm vào thi chứng chỉ nghề cho học sinh lớp 11.

“Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho trường thực hiện. Sắp tới, học sinh lớp 11 của trường sẽ thi chứng chỉ nghề bằng kỹ thuật trồng nấm. Trước đây, học sinh của trường học nghề là trồng rừng, làm vườn. Bây giờ sẽ dạy nghề trồng nấm cho học sinh” - thầy Sơn thông báo.

Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, không chỉ riêng trường THPT số 3 Bảo Thắng thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn mà các trường THCS, THPT của toàn tỉnh đã bắt đầu nhân rộng. Năm học 2016-2017, 100% các trường THCS và THPT thực hiện mô hình học gắn với thực tiễn. Năm học 2015-2016, sản phẩm thu hoạch được từ mô hình quy ra tiền là xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/mo-hinh-truong-hoc-ket-hop-trang-trai-giam-tinh-trang-day-chay-hoc-chay-1070932.tpo