Mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh ở các trường vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ

Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các trường trung học cơ sở có học sinh là người dân tộc thiểu số và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, gắn với các mô hình sản xuất, kinh doanh tại nhà trường và địa phương.

Các đơn vị có sự phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là sự phối hợp với hộ gia đình…nhằm tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ, tư vấn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và sử dụng sản phẩm.

Học sinh trường PTDTNT tỉnh chăm sóc vườn rau

Hầu hết trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tham quan, trải nghiệm các mô hình trồng rừng (keo lá chàm, sơn, bạch đàn…), trồng cây ăn quả (bưởi, ổi, chanh…); tham quan các mô hình trang trại (nuôi cá Chép, nuôi Dê, Gà…); mô hình trường học gắn với nghề truyền thống đan lát, thủ công mỹ nghệ, trồng nấm, mộc nhĩ, mô hình làm tinh bột Nghệ, tinh bột Sắn, nghề Mộc.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục trung học hướng dẫn học sinh tự trải nghiệm, tham gia lao động, chăm sóc cây trồng và các mô hình chăn nuôi nhỏ tại gia đình, nhằm gắn lý thuyết với thực tiễn lao động, tham gia sản xuất nhằm tăng thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế của địa phương…

Nhiều trường trung học cơ sở có học sinh là người dân tộc thiểu số đã tổ chức tốt mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trở thành những trường tiêu biểu để các nhà trường khác học tập.

Trường THCS Yên Lãng (huyện Thanh Sơn) thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất cây chè. Nhà trường đã tận dụng diện tích vườn chè có sẵn trong khuôn viên trường rộng trên 2000 m2 để học sinh chăm sóc, thu hoạch, học tập, trải nghiệm với cây chè.

Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên phụ trách (giáo viên Sinh học, Công nghệ), tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây chè để phổ biến tới học sinh. Sau mỗi lần thu hoạch, các lớp lại tiến hành lao động (làm cỏ, bón phân) vườn chè (khu vực được phân chia cho từng lớp) theo kĩ thuật đã được giáo viên hướng dẫn.

Quy trình chăm sóc hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học; sử dụng phân hữu cơ để bón cho chè; học sinh tự hái chè, sau đó giáo viên và đại diện nhóm học sinh đi chế biến chè khô (vì nhà trường không có cơ sở chế biến). Mỗi tháng nhà trường thu hoạch được khoảng 20 kg chè khô.

Kinh phí thu được chi phí: Mua phân bón, các chi phí khác cho chăm sóc cây chè; hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục cho học sinh (văn nghệ, thể dục thể thao), động viên thăm hỏi các em có hoàn cảnh khó khăn, động viên khen thưởng các em có thành tích trong học tập và phần còn lại xung quỹ phúc lợi của nhà trường.

Học sinh THCS Yên Lãng (huyện Thanh Sơn) học tập, trải nghiệm tại vười chè.

Trường THCS Văn Luông (huyện Tân Sơn) đã xây dựng mô hình trường học gắn với vườn chè một cách bài bản: Xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác, tổ chức khảo sát thực tế, tiến hành trồng, chăm sóc chè trong khuôn viên trường và tổ chức tham quan học tập việc chăm sóc, thu hái, chế biến chè) tại các hộ gia đình trồng chè. Nhà trường có 100m2 khu ươm chè giống và khu băng chè trồng mới với diện tích 350 m2 (trồng được 300 cây 3 tháng tuổi).

Nhà trường có biên bản phối hợp (có sự chứng kiến của Trưởng khu hành chính và đại diện UBND xã) với hộ gia đình ông Lê Hùng Hiền (khu Văn Tân, xã Văn Luông) và hộ kinh doanh chè gia đình ông Nguyễn Văn Kính (khu Hoàng Văn, xã Văn Luông) với trên 3ha chè và khu chế biến tại gia đình để học sinh tham quan học tập.

Trường THCS Long Cốc (huyện Tân Sơn) xây dựng được mô hình vườn chè trong trường (có khu ươm chè giống: 50m2 và khu trồng mới với diện tích 200m2 (trồng mới được 210 cây chè 5 tháng tuổi). Hằng tuần, tháng học sinh các lớp được phân công chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho vườn chè trong trường dưới sự quản lí của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.

Nhà trường phối hợp với hai hộ gia đình: Ông Hà Văn Cát và Ông Hà Văn Thắm (khu Măng 2, xã Long Cốc) với trên 2 ha chè và có cơ sở chế biến tại gia đình để học sinh tham quan học tập quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến.

Bà con nông dân hướng dẫn học sinh trồng chè Trường THCS Long Cốc (huyện Tân Sơn).

Trường THCS Tiên Phong (huyện Đoan Hùng) đã thực hiện mô hình trường học gắn với cây bưởi Sửu đặc sản: Xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho giáo viên, học sinh đi thực tế đến gia đình hộ gia đình Bà Sa Lý trồng bưởi ở thôn Ngọc Chúc, khu 3, xã Chí Đám để học tập kinh nghiệm; đồng thời nhà trường tổ chức trồng cây bưởi trong khuôn viên trường vào dịp Tết nguyên đán, tiến hành chăm sóc, hiện nay cây bưởi đã phát triển tốt và ra (bói) quả. Nhà trường đã lên kế hoạch cho giáo viên, học sinh tham quan trải nghiệm thực tiễn tại vườn bưởi dự án của UBND huyện Đoan Hùng.

Cùng với mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các trường trung học cơ sở, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ đã xây dựng mô hình nhà trường gắn với vườn rau sạch.

Tận dụng lợi thế của trường là 100% học sinh (518 em) ở nội trú, có diện tích đất trống khoảng 800m2, nhà trường đã giao cho giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu và áp dụng quy trình trồng, chăm sóc rau (các loại rau: cải, củ, rau muống, cà chua, đỗ …). Việc trồng và chăm sóc rau được tiến hành vào các buổi chiều (sau khi tan học) và các ngày nghỉ.

Trong quá trình trồng và chăm sóc vườn rau, các em có sự hướng dẫn, quản lí của đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên hướng dẫn kỹ thuật (môn Sinh học, Công nghệ).

Cây bưởi học sinh trồng trong vườn trường đã có quả (Trường THCS Tiên Phong - Huyện Đoan Hùng).

Mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh đã tạo ra môi trường học tập thân thiện; giúp các em hiểu giá trị của lao động, chia sẻ với những khó nhọc của bà con nông dân; tạo được không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, gắn những lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất; giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức kỹ năng sống, bổ sung về kiến thức thực tế, vốn sống.

Thông qua hoạt động mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, các em học sinh còn được phát triển khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân trong tập thể, phát triển khả năng hợp tác, làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng... Qua đó cũng đồng thời phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên, góp phần thực hiện thành công việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Theo Vũ Văn Thăng – Chuyên viên Vụ Giáo dục dân tộc -Bộ GD&ĐT

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/mo-hinh-truong-hoc-gan-voi-thuc-tien-san-xuat-kinh-doanh-o-cac-truong-vung-dan-toc-thieu-so-cua-tinh-phu-tho-3635479-l.html