Mô hình trường học 'động' nhân rộng ở Phần Lan

Phần Lan đi đầu thế giới về đổi mới trong cách thức giáo dục. Cá nhân hóa không gian học tập trong trường học, hay khuyến khích học sinh vận động thay vì 'ngồi ỳ một chỗ'… - là những phương pháp giáo dục khá mới lạ so với thế giới…

Học sinh chuyển bàn ghế học theo nhóm là một cách khuyến khích vận động thể chất

Cá nhân hóa không gian học tập

Giống y một lớp học bình thường cho tới khi một cái đầu nhô lên phía sau bục giảng ở góc lớp. Cô bé tỏ vẻ không vui khi những vị khách làm ngắt mạch cuốn truyện đang đọc dở trong cái “ổ” đó. Ở góc đối diện, 2 bạn khác đang đùa vui với những quân bài trên tay…

Ngôi Trường Tiểu học Lauttasaari tại thủ đô Helsinki này đi tiên phong trong một phương pháp giáo dục mới – tạo không gian học tập theo những cách đặc biệt nhất. Nhiều trường khác tại quốc gia Bắc Âu cũng đang đi theo xu hướng này.

Phần Lan là một trong những quốc gia đầu tiên đưa vào hướng dẫn giáo dục quốc gia yêu cầu rõ ràng với các trường không chỉ tìm hiểu phương thức học thế nào cho hiệu quả mà còn cả học ở đâu.

Thử nghiệm ban đầu tại một trường học ở Oulu, Bắc Phần Lan, bảng và đệm được đưa ra hành lang để tạo không gian học tập độc lập cho học sinh.

Còn tại Trường Lauttasaari kể trên, không có đệm, thay bằng võng và gối tựa được đặt rải rác quanh trường để học sinh nằm đọc sách, suy ngẫm hoặc nghỉ ngơi.

Việc cá nhân hóa không gian học tập chỉ là một khía cạnh của chính sách đổi mới môi trường học ở Phần Lan.

Lồng ghép vận động vào giờ học văn hóa

Trong vài năm qua, một phương pháp giáo dục mới được Phần Lan ưu tiên đẩy mạnh là kết hợp hoạt động thể chất vào môi trường học tập. Phần Lan thậm chí đã phát động một chương trình hành động quốc gia được gọi là “Trường học Phần Lan chuyển động”.

Được thí điểm từ năm 2010 - 2012 ở 45 trường trên cả nước, mục tiêu của chương trình là bảo đảm học sinh nhận được ít nhất 1 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày.

“Mục tiêu của chúng tôi là tăng hoạt động thể chất và giảm thời gian “tĩnh” của học sinh ở trường. Điều này có nghĩa là khuyến khích vận động hơn và ngồi ít hơn” – Giám đốc dự án “Trường học Phần Lan chuyển động” Antti Blom cho biết. Ông cũng cho biết dự án này phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 – 17 tuổi nên có ít nhất 1 giờ tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi ngày.

Vì không có đủ trang thiết bị cho giáo dục thể chất cũng như giáo viên thể dục, Phần Lan đã lồng ghép vận động thể chất vào các tiết học chính khóa. Cụ thể là chuyển đổi sang phương pháp giảng dạy đòi hỏi học sinh vận động thể chất nhiều hơn như làm việc nhóm, chơi trò chơi, làm dự án…

Để học sinh không ngồi quá lâu trong lớp học, chương trình cũng khuyến khích có các bài tập thể dục ngắn hoặc trò chơi đòi hỏi nhiều năng lượng giữa các tiết học. Các tiết học cũng được rút ngắn hơn và tăng thời gian nghỉ, một số giờ nghỉ là hoạt động ngoài trời.

Kết quả tích cực được nhận thấy từ chính học sinh: Trẻ năng động hơn và tập trung hơn trong giờ học. Tập thể dục, chơi và học cùng nhau cũng giúp trẻ kết nối xã hội và phát triển kĩ năng tương tác.

Thanh Anh (Theo thestar)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/mo-hinh-truong-hoc-dong-nhan-rong-o-phan-lan-3555858-b.html