Mô hình trường chuyên thúc đẩy dạy thêm nở rộ

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục cần “khai tử” mô hình trường chuyên.

LTS: Đồng tình với quan điểm nên “khai tử” lớp lựa, lớp chọn , thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết bày tỏ ý kiến nên bỏ luôn mô hình trường chuyên nhằm hạn chế dạy thêm , học thêm phát triển.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Sự hình thành và phát triển của trường chuyên

Hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển, hệ thống trường Trung học Phổ thông chuyên ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Các trường, khối lớp Trung học Phổ thông chuyên được thành lập trên tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số trường Đại học.

Hàng năm tổng số học sinh Trung học Phổ thông chuyên trên toàn quốc chiếm gần 2% số học sinh Trung học Phổ thông.

Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đầu tư tốt, chất lượng đầu vào luôn ở mức cao.

Một số trường như Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Hồ Chí Minh), trường Trung học Phổ thông chuyên Ngoại ngữ, khối chuyên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)… đã tổ chức dạy thí điểm các môn Toán, Vật lý, Hóa học bằng tiếng Anh phục vụ nhu cầu học Đại học, du học.

Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam là ngôi trường đáng mơ ước của nhiều học sinh và phụ huynh (Ảnh: vtc.vn).

Bình quân các năm vừa qua ở các trường này có 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá; hơn 95% học sinh đạt học lực khá, giỏi.

Bồi dưỡng học sinh giỏi được duy trì thường xuyên, liên tục và có chất lượng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế; Việt Nam được đánh giá là 1 trong những nước có thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

Bên cạnh đó, số lượng, tỷ lệ học sinh Trung học Phổ thông chuyên đỗ vào các trường Đại học cũng rất cao, trung bình hàng năm là trên 90%, một số trường là 100%.

Trong các hội nghị tổng kết hệ thống trường chuyên Trung học Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận những hạn chế, tồn tại của mô hình này.

Công tác tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học Phổ thông chuyên còn nhiều bất cập; nội dung đề thi chủ yếu là kiểm tra, tái hiện kiến thức, kỹ năng cơ bản, chưa có hình thức kiểm tra năng khiếu, tài năng.

Chương trình giảng dạy, kế hoạch dạy học và giáo dục trong các trường Trung học Phổ thông chuyên nhìn chung chưa được thiết kế phù hợp, chưa tạo điều kiện phát huy khả năng đặc biệt của học sinh năng khiếu.

Tài liệu phục vụ dạy học các môn chuyên còn rất thiếu; công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa được chú trọng đúng mức.

Việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện còn hạn chế; chưa có sự liên kết phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở các trường Trung học Phổ thông chuyên với việc đào tạo tiếp tục ở Đại học.

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Đề án phát triển hệ thống trường Trung học Phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 với kinh phí lên đến 2300 tỷ đồng khiến các chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội không khỏi “choáng” và cho rằng làm như vậy gây lãng phí rất lớn.

Nên “khi tử” mô hình trường chuyên để hạn chế dạy thêm, học thêm

Trong khi, vẫn còn rất nhiều phụ huynh luôn khao khát và mong muốn con em mình được tuyển vào và học trường chuyên, lớp chọn thì không ít nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo và phụ huynh lại thực sự lo lắng về mục tiêu giáo dục của mô hình này.

Trả lời báo Thanh niên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) của Quốc hội, cho rằng:

Hệ thống trường chuyên từ trước tới nay phát triển lệch lạc, chủ yếu chỉ tập trung ở các môn chuyên và học rất khác với hệ thống trường Trung học Phổ thông bình thường.

Đào tạo con người phổ thông như thế là không đúng định hướng, con người ở phổ thông phải được phát triển toàn diện”.

Các em học sinh ở một số trường chuyên đi thi quốc tế đoạt giải, đỗ Đại học đạt điểm cao nhưng thực tế cho thấy số đông các em sau này không trở thành các nhà Toán học hay Vật lý học... hoặc đóng góp gì cho chuyên ngành mà mình được học”, ông Thuyết chỉ ra thực tế.

Tuần trước, tại buổi tiếp xúc với cử tri, về hoạt động giáo dục, đào tạo; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Cử tri bày tỏ tâm tư trước chuyện trường chuyên lớp chọn đã trở thành phong trào trong thời gian qua, là một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng các trường dạy thêm và phụ huynh cho con học thêm để vào học ở trường chuyên lớp chọn, cử tri đề nghị Chính phủ và thành phố quan tâm để có sự điều chỉnh hợp lý (thông tin từ báo Sài Gòn giải phóng).

Là một nhà giáo, cán bộ quản lý ở bậc Trung học Phổ thông mấy chục năm nay, Làm được điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, xã hội và phụ huynh học sinh.

Thứ nhất, giảm thiểu được căn bệnh thành tích đang tồn tại, ngự trị trong nhận thức, suy nghĩ và hành động của không ít cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh hiện nay.

Thứ hai, xây dựng một môi trường giáo dục phổ thông toàn diện, công bằng, hạn chế các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, áp lực nảy sinh, giúp các em có được một nền tảng cơ bản về kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể hội nhập xã hội và học lên ở các bậc học cao hơn.

Thứ ba, tiết kiệm cho ngân sách địa phương, Nhà nước một khoản kinh phí, tiền bạc đầu tư không hề nhỏ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (vì một trường chuyên hằng năm tiêu tốn một lượng kinh phí gấp từ 3-4 lần so với một trường phổ thông bình thường).

Đỗ Tấn Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mo-hinh-truong-chuyen-thuc-day-day-them-no-ro-post170404.gd