Mô hình nào để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?

Mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang gây nhiều tranh luận. TBKTSG trao đổi với ông Phạm Đức Trung, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Ông Trung cho biết Đảng đã có chủ trương bỏ chế độ cơ quan nhà nước làm chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh từ đầu những năm 1990, và khẳng định chính thức lần đầu tiên ở đại hội IX. Về mặt nhà nước, Luật Tổ chức chính phủ và Nghị định 123 hướng dẫn đã nói rõ, bộ và các cơ quan ngang bộ không còn chức năng quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Về thực tiễn, các cơ quan hành chính nhà nước quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là không phù hợp. Đến nay chỉ còn hai mô hình, một là cơ quan nhà nước, hai là tổ chức kinh tế - còn gọi là doanh nghiệp.

TBKTSG: Theo quan điểm của ông, mô hình cơ quan nhà nước có những ưu điểm và nhược điểm nào?

Ông Phạm Đức Trung.

- Ông Phạm Đức Trung: Theo Luật Tổ chức Chính phủ như tôi nói trên, hiện nay chỉ còn mô hình cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ. Mô hình này có ưu điểm, là các bộ, ủy ban nhân dân không còn chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước ở doanh nghiệp để không lẫn lộn với chức năng quản lý nhà nước. Mô hình này có địa vị pháp lý cao hơn và mạnh hơn so với mô hình doanh nghiệp. Hơn nữa, do cơ quan này không chỉ kinh doanh vốn nhà nước mà còn đầu tư vốn nhà nước vào các lĩnh vực mà tư nhân không làm nên nó hơn mô hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nó có những nhược điểm. Vì đầu tư kinh doanh vốn cần các đặc tính năng động, nhạy bén, phù hợp với thị trường nên mô hình này khó. Cơ chế hoạt động cũng khó khăn vì đây là cơ quan nhà nước nên phải tuân thủ các quy định ràng buộc về lương thưởng, công tác cán bộ, quản lý tài sản... Cơ quan này không thể đặt ra mức lương cao, hay chế độ khuyến khích tốt như doanh nghiệp được.

TBKTSG: Còn với mô hình doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

- Ưu điểm mô hình doanh nghiệp là, cũng như mô hình cơ quan nhà nước, đạt được mục tiêu tách chức năng quản lý vốn của các bộ, ủy ban nhân dân. Hơn nữa, về phương diện sinh lời thì nó có lợi thế do năng động hơn.

Tuy nhiên, mô hình này có nhiều yếu điểm chưa rõ.

Thứ nhất, là doanh nghiệp họ sẽ không đầu tư vào các lĩnh vực mà các khu vực khác không làm vì không sinh lợi nhuận.

Về mặt pháp luật, đến nay chỉ còn duy nhất một mô hình là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nó phải có chủ sở hữu. Vậy ai sẽ là chủ sở hữu đây? Bộ không được làm nữa rồi. Như vậy, đại diện chủ sở hữu sẽ là Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ, Chính phủ như giai đoạn 2006-2010. Việc đó có hợp lý không? Nếu đẻ ra mô hình doanh nghiệp thì phải thế, và hiện nay chưa rõ ai quản lý doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, khi chuyển các tập đoàn kinh tế, DNNN về doanh nghiệp này, thì về mặt kế toán, quản trị, tài chính... nó sẽ là công ty mẹ của tất cả các công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, DNNN hiện nay. Như vậy sẽ tạo ra một siêu tập đoàn, công ty mẹ của các công ty mẹ. Nhiều ý kiến cho rằng, công ty này thường chỉ quản lý vốn thôi, nhưng về mặt pháp luật nó không chỉ quản lý vốn, mà còn thực hiện quyền chủ sở hữu như giám sát, bổ nhiệm cán bộ, quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh...

TBKTSG: Hiện tại, việc thành lập cơ quan này được xúc tiến như thế nào, thưa ông?

- Theo Thông báo 181 của Văn phòng Chính phủ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình đề án trong quí 2-2017; theo Nghị quyết 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 thì đề án phải xin ý kiến Bộ Chính trị sau đó mới chọn mô hình và triển khai thành lập.

Thông báo 181 đã kết luận có hai mô hình là cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp. Theo mô hình cơ quan nhà nước thì có hai cách thức thành lập, một là thành lập mới, hai là nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành cơ quan thuộc Chính phủ. Còn trong mô hình doanh nghiệp, thì hoặc nâng cấp SCIC hoặc chuyển SCIC thành doanh nghiệp đó. Tóm lại, có nhiều mô hình nhưng đều liên quan đến SCIC.

TBKTSG: Theo ông, mô hình này có giúp các DNNN hoạt động hiệu quả hơn không?

- Một trong những nhược điểm của mô hình quản lý hiện nay là không rõ đầu mối chịu trách nhiệm. Vì thế mới có nhu cầu quản lý tập trung để làm rõ trách nhiệm vốn nhà nước, các dự án. Rõ ràng, trong thời gian dài vừa qua có nhiều dự án không hiệu quả, phá sản, nhưng có ai phải chịu trách nhiệm về nó? Mục tiêu là phải xác định được trách nhiệm cá nhân, nên mới cần lập cơ quan chuyên trách, làm rõ trách nhiệm của họ trước Quốc hội và Chính phủ.

TBKTSG: Các bộ quản lý chuyên ngành có phản ứng với chuyện này không, như theo dõi của ông?

- Vì đây là chủ trương của Đảng nên họ không phản đối, nhưng họ luôn luôn nêu ra lo ngại về việc cơ quan này không hiệu quả bằng mô hình hiện nay (bộ chủ quản). Đây cũng là điều tự nhiên vì họ quản lý doanh nghiệp nhiều năm rồi. Còn đối với các bộ quản lý tổng hợp như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ thì dù còn có ý kiến khác nhau về mô hình nhưng đều ủng hộ phải có mô hình mới.

TBKTSG: Lộ trình cho cơ quan này nên như thế nào, theo ông?

- Về lâu dài thì phải chuyển toàn bộ DNNN về cơ quan này từ các bộ và ủy ban nhân dân. Trước mắt, theo tôi, cần có lộ trình là chuyển các doanh nghiệp kinh doanh trước, còn lại các doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng không thuộc lĩnh vực cạnh tranh.

Điểm nữa là năm ngân hàng thương mại và một số tổ chức kinh tế đặc thù mà Ngân hàng Nhà nước đang đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ở đó cũng chưa nên chuyển về ngay. Một cơ quan đại diện vốn nhà nước mà quản lý cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ dễ làm phát sinh rủi ro.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159908/mo-hinh-nao-de-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep.html/