Mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng được 19 tỉnh đưa vào ứng dụng

Tỉnh Gia Lai đã trở thành tỉnh thứ 3 ở khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng và Kon Tum) và là địa phương thứ 19 trên cả nước chính thức ký kết chuyển giao, tiếp nhận mô hình Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng.

Sở TT&TT Gia Lai tiếp nhận bàn giao mô hình chính quyền điện tử từ Sở TT&TT Đà Nẵng. Ảnh: Sở TT&TT Đà Nẵng cung cấp.

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, Gia Lai đã trở thành tỉnh thứ 3 ở khu vực Tây Nguyên (sau Lâm Đồng và Kon Tum) và là địa phương thứ 19 trên cả nước chính thức ký kết chuyển giao, tiếp nhận mô hình Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng.

Mới đây, Sở TT&TT Đà Nẵng đã chuyển giao mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng cho Sở TT&TT tỉnh Gia Lai để nghiên cứu, áp dụng cho việc xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.

Nội dung Sở TT&TT TP Đà Nẵng chuyển giao gồm: 3 bộ tài liệu về “Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng” ; “Mô tả hạ tầng CNTT: Trung tâm dữ liệu, Mạng đô thị thành phố Đà Nẵng, Trung tâm thông tin dịch vụ công, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng CNTT” ; “Mô tả các ứng dụng lõi vận hành trên nền tảng này: Hệ thống một cửa điện tử kèm theo các ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; các dịch vụ công trực tuyến. Kèm theo là CD mã nguồn Danang eGovPlatform.

Đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng cho hay, việc ký kết bàn giao mô hình chỉ là bước đầu, sau khi ký kết, Sở TT&TT Đà Nẵng tiến hành khảo sát thực tế và hỗ trợ Sở TT&TT Gia Lai xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử. Đồng thời sẽ tham vấn giúp Gia Lai các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, năng lực để hỗ trợ Sở TT&TT Gia Lai tùy biến và cài đặt, hướng dẫn sử dụng nền tảng Danang eGovPlatform, các ứng dụng lõi vận hành trên nền tảng này.

Trong đó, không thể thiếu hệ thống một cửa điện tử và các ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; các dịch vụ công trực tuyến cho phù hợp với quy trình nghiệp vụ và nhu cầu thực tế của địa phương.

Sở TT&TT tỉnh Gia Lai cho hay, sau khi tiếp nhận bàn giao từ Đà Nẵng, Gia Lai sẽ triển khai bước tiếp theo bao gồm các nội dung bố trí kịp thời nguồn lực, cán bộ quản lý, kỹ thuật phù hợp để nghiên cứu, khai thác, vận hành và tiếp tục mở rộng các ứng dụng lõi phù hợp với nghiệp vụ và nhu cầu thực tế của địa phương. Phối hợp với các đơn vị tư vấn mà Đà Nẵng giới thiệu để tùy biến nền tảng Danang eGovPlatform và các ứng dụng lõi cho phù hợp với quy trình nghiệp vụ và nhu cầu thực tế của địa phương.

Sở TT&TT Gia Lai sẽ thành lập hẳn một Tổ công tác tiếp nhận, Tổ bao gồm các thành viên có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu tốt để triển khai nghiên cứu các tài liệu được chuyển giao về Kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử TP Đà Nẵng, nền tảng Danang eGovPlatform và các ứng dụng lõi vận hành trên nền tảng này.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép chuyển giao đến các địa phương mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng sau khi mô hình này chứng tỏ có đủ khả năng để triển khai lan tỏa rộng.

Sở TT&TT Đà Nẵng đã tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố nằm ở khu vực phía Nam như Cà Mau, Cần Thơ và Sóc Trăng để khảo sát thực tế tình hình ứng dụng và phát triển CNTT của các địa phương, trên cơ sở đó tư vấn, hỗ trợ các địa phương xây dựng Kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT và triển khai nền tảng ứng dụng chính quyền điện tử. Mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng cũng được chuyển giao và ứng dụng thành công tại Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Khôi Nguyên

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/mo-hinh-chinh-quyen-dien-tu-da-nang-duoc-19-tinh-dua-vao-ung-dung-139646.ict