Mở đường xuyên qua khu bảo tồn: Giúp lâm tặc phá rừng?

Nếu cố làm đường đi xuyên khu bảo tồn thiên nhiên thì chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu chặt phá rừng, buôn bán gỗ.

Làm đường thuận lợi cho kẻ xấu vận chuyển gỗ lậu

UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang “rục rịch” mở con đường độc đạo dài gần 19km, xuyên thủng khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng thuộc huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Dự kiến con đường sẽ đi qua khu bảo tồn gần 7km, phá gần 16ha rừng và đất lâm nghiệp của khu bảo tồn.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 28/10, TS Nguyễn Cử - chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR) cho biết: "Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng được thành lập từ năm 2002 do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định.

Chính vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể tuân theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng để làm".

Theo đó, ông Cử chỉ rõ, tại Điều 13: Phân loại rừng đặc dụng, có nêu rõ: "Khu bảo tồn thiên nhiên được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho việc bảo vệ các hệ sinh thái và các loài sinh vật là các đối tượng cần phải bảo tồn; phục vụ nghiên cứu, giám sát môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường và du lịch sinh thái.

Khu bảo tồn thiên nhiên được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về: các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm, nguy cấp và sinh cảnh tự nhiên, môi trường sống cho các loài này; về diện tích tự nhiên của khu bảo tồn và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư so với diện tích tự nhiên của khu bảo tồn".

Tại Điều 18: Bảo vệ rừng đặc dụng cũng nêu: "Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nghiêm cấm các hoạt động: Các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng, loại trừ những hoạt động được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 22 Quy chế này.

Các hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã hoặc loài bảo tồn".

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng

Chính vì thế, với dự án tuyến đường của Ba Chẽ đề xuất, theo đánh giá sẽ cắt đôi khu bảo tồn, làm ảnh hưởng đến đời sống của động vật hoang dã trong đó. Như vậy, hoàn toàn vi phạm các quy định trong quyết định của Chính phủ, nên cứ chiếu theo quy định mà làm, vi phạm thì không được phép làm.

Bên cạnh đó, theo ông Cử, trước đây đã từng xảy ra các trường hợp tương tự, như làm đường Hồ Chí Minh đi qua VQG Cúc Phương, cuối cùng gặp nhiều phản đối nên tìm phương án khác.

Với dự án Ba Chẽ, nếu đi đường vòng tránh qua khu bảo tồn là tốt, còn nếu cố làm đường đi xuyên khu bảo tồn chỉ là tạo điều kiện cho kẻ xấu chặt phá rừng, buôn bán gỗ.

Hơn nữa, với một huyện miền núi khó khăn, chủ yếu dân tộc thiểu số, kinh tế chưa phát triển, đã có 2 tuyến đường quốc lộ, thì tần suất sử dụng tuyến đường không cao, ít người qua lại, sẽ càng là cơ hội thuận lợi cho việc phá rừng.

"Riêng với rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên, sẽ rất nhiều loại gỗ quý cùng với hệ động vật hoang dã phong phú, đa dạng, kèm theo rất nhiều dược liệu quý hiếm, làm đường để tiếp tay cho lâm tặc thì sao lại nên làm", ông Cử nhấn mạnh.

Chúng ta đã có văn bản pháp lý của nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Nghị định 1976 về Phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Bây giờ phải dựa vào đó, những dự án không đáp ứng được quy định thì kiên quyết không làm.

Đã là khu rừng bảo tồn thì cái gì cũng quan trọng, kể cả bãi cỏ, đặc biệt một số loài phải kiếm ăn ở bãi cỏ đó. Tất yếu địa phương thì muốn làm, bởi nếu làm đường như vậy thì xin được đầu tư, kiếm được nhiều tiền từ dự án.

"Mặt khác, với các khu bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh có quy định Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, UBND tỉnh quản lý, nên các dự án trên phải xin ý kiến các cơ quan trên. Phải thành lập Hội đồng đánh giá tác động cụ thể, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường, được phê duyệt mới được làm", ông Cử khẳng định.

Phá hủy hệ sinh thủy

Cũng đưa ra quan điểm về dự án trên, PGS.TS Lê Diên Dực - Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Với các dự án tác động đến khu bảo tồn thì phải xem xét nếu phá rừng có gây lũ lụt, thiếu nguồn nước, ảnh hưởng đến dân hay không, tất cả đều phải đặt lên tính toán cẩn trọng.

Thế nhưng, tôi cho rằng, với rừng tự nhiên thì nên tránh, tìm phương án khác, dù có phải đi vòng 1 vài km cũng phải làm, chứ không nên phá rừng. Bởi vì, sự tồn tại của rừng tự nhiên hiện nay đang vô cùng hiếm trên lãnh thổ VN, không nên dựa vào bất cứ mục đích gì để phá rừng.

Càng không được động vào khu bảo tồn, vì phải tìm cách thay thế, hầm mỏ quan trọng đến mức quốc gia muốn khai thác còn khó thực hiện, chưa nói làm con đường nối cộng đồng".

Theo ông Dực, khi đã có quyết định thành lập khu bảo tồn họ đã đánh giá được sự quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, nên đừng vì một tuyến đường nối với cộng đồng địa phương, mà phá khu bảo tồn.

Vì khi đã có con đường tất yếu sẽ phá hủy sự yên tĩnh của các loài động vật quý hiếm sống trong khu bảo tồn, phá hủy hệ sinh thủy. Và cũng không có ai dám khẳng định sẽ không có hiện tượng tận dụng đường tốt để lâm tặc chặt gỗ phá rừng.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mo-duong-xuyen-qua-khu-bao-ton-giup-lam-tac-pha-rung-3321833/