'Mở cửa' thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới để mở rộng quy mô thị trường trái phiếu được cho là còn nhiều tiềm năng này….

Chiếc áo pháp lý đã chật

Ngày 14-11-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để giao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc quyết định phương án huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả huy động vốn. Nhờ đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có sự tăng trưởng và phát triển...

Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ (Bộ Tài chính tổng hợp), tính đến tháng 5-2016, có 347 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước với khối lượng đăng ký phát hành là 276.792 tỉ đồng, trong đó có 252 đợt phát hành với khối lượng phát hành thực tế là 185.543 tỉ đồng.

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước đến thời điểm hiện tại là 144.472 tỉ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 4,85 năm. Chủ yếu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Về lãi suất phát hành, hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ xác định lãi suất phát hành trái phiếu theo phương thức thả nổi và căn cứ vào lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm tại các ngân hàng thương mại lớn cộng thêm biên độ 2-4%/năm.

Tổng hợp của Bộ Tài chính cũng cho thấy nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chủ yếu là nhà đầu tư trong nước, chiếm 98% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 75,5% dư nợ, công ty chứng khoán khoảng 13,21%, công ty bảo hiểm khoảng 0,8%, quỹ đầu tư khoảng 2,57%, các nhà đầu tư cá nhân khoảng 1,87%...

Nhưng, theo nhận định của Bộ Tài chính, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế, so với quy mô thị trường của các nước trong khu vực và nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp.

Tính đến tháng 5-2016, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 3,5% GDP, rất nhỏ so với kênh tín dụng của ngân hàng (dư nợ tín dụng tương đương 115,85% GDP). Dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 22% GDP của các nước trong khu vực. Vì sao? Vì hệ thống tài chính quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng; trong khi khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn hẹp, theo Bộ Tài chính.

Thực tế, Nghị định 90 được ban hành (năm 2011) trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa phát triển, nên để bảo vệ nhà đầu tư, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ quy định rất khắc nghiệt, như: doanh nghiệp phát hành phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi; đồng thời, báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần.

Trong khi thực tế triển khai cho thấy điều kiện kể trên chưa phù hợp với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp do các doanh nghiệp này đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính và khó đạt được kết quả hoạt động kinh doanh có lãi. Đồng thời, yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phát hành có báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần tạo áp lực cho doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính không thật sự minh bạch.

Đối với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, yếu tố quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đáp ứng quy định và yêu cầu của thị trường phát hành. Thế nhưng Nghị định 90, có những quy định không phù hợp với thông lệ và yêu cầu của thị trường phát hành. Điều này gây ảnh hưởng và gia tăng các thủ tục hành chính không cần thiết đối với doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, các quy định của Nghị định 90 về điều kiện phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành; cơ chế báo cáo và công bố thông tin; đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp... cũng đã lạc hậu, bất cập, không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

“Mở cửa” thị trường...

Do đó, để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, cần có một số sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 90 cho phù hợp với sự phát triển mới của nền kinh tế.

Bộ Tài chính cho rằng, nghị định thay thế Nghị định 90 phải hướng tới ba mục tiêu: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ việc hình thành và phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường theo xu hướng và thông lệ quốc tế.

Vì thế, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định phát hành trái phiếu doanh nghiệp (mới) thay thế Nghị định 90 Bộ Tài chính đã bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần.

Dự thảo quy định theo hướng tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, để bảo vệ nhà đầu tư, dự thảo Nghị định yêu cầu khắt khe và chặt chẽ hơn về công bố, công khai thông tin của doanh nghiệp phát hành trước và sau khi phát hành trái phiếu. Quy định tạo điều kiện để doanh nghiệp công bố các thông tin tài chính minh bạch hơn.

Đối với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, dự thảo cũng bỏ quy định của Nghị định 90 về điều kiện, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành. Bởi, trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường trái phiếu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, dự thảo đã quy định theo hướng doanh nghiệp được phép phát hành nếu đáp ứng được điều kiện quy định của thị trường phát hành, phương án phát hành trái phiếu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận và có văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khối lượng trái phiếu phát hành nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia.

Ngoài ra, dự thảo còn hoàn thiện quy định về điều kiện phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành theo hướng doanh nghiệp không phải xây dựng lại phương án phát hành; thống nhất thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhà nước với quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế báo cáo, công bố thông tin và đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp...

Bộ Tài chính dự kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 90 sẽ được trình Chính phủ xem xét cho ý kiến và ban hành vào tháng 6-2017.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/mo-cua-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-20161012064231858p4c146.news