Mít tiêm thuốc, 21 tấn mực thối ra Bắc tiêu thụ

Chỉ cần một ống thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc quả mít xanh sẽ chín bất cứ lúc nào, trong khi 21 tấn mực thối được chuyển ra Bắc tiêu thụ.

Ngày 5/5, Trạm CSGT Quốc lộ 1A (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết, khoảng 12h40p ngày 5/5, lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ đã phát hiện, bắt giữ xe tải đang vận chuyển 21.370kg mực khô mốc, bốc mùi hôi thối.

Tài xế xe tải là ông Phạm Tiến Thông (SN 1960, trú tại Khối 3 – TT. Núi Thành – Núi Thành – Quảng Nam) khai nhận, số mực trên đang được vận chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi đi Bắc Ninh để tiêu thụ. Toàn bộ số mực không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Hiện lực lượng CSGT đang phối hợp với Chi Cục quản lý thị trường Thanh Hóa xử lý theo quy định.

Bắt giữ 21 tấn mực bốc mùi hôi thối

Bắt giữ 21 tấn mực bốc mùi hôi thối

Trước đó, ngày 18/1, lực lượng CSGT Quốc lộ 1A cũng đã bắt xe tải do Trần Việt Dũng (SN 1984, trú tại phường Thuận Hòa - TP. Huế) điều khiển.

Kiểm tra trên xe phát hiện đang vận chuyển 20,4 tấn mực khô cũng mốc, hôi thối, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đang được vận chuyển từ Quảng Ngãi ra Hà Nội tiêu thụ.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng đang vô cùng hoang mang trước thông tin, mùa mít ở các tỉnh phía Nam chưa bắt đầu tuy nhiên ở các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM như chợ nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức), chợ Bình Chánh, chợ Hóc Môn... loại hoa quả này đã được bày bán rất nhiều với giá đắt hơn lúc chính vụ nhiều lần.

Điều dễ nhận biết của loại mít này là không có mùi thơm ngào ngạt như những loại mít chín tự nhiên, bên ngoài vỏ mít vẫn còn xanh nhưng bên trong mít đã chín vàng.

Báo Đời sống và pháp luật có đưa tin, theo một ông chủ buôn mít thì mít xanh sau khi được nhập về sẽ có tuyệt chiêu riêng để "hô biến" thành mít chín chỉ sau một ngày.

Mít tiêm hóa chất xanh hóa chín

Loại "thần dược" có tác dụng ép cho mít chín này có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ cần pha theo chỉ dẫn, nhỏ hoặc tiêm trực tiếp vào cuống mít, bọc nilon chỗ tiêm thuốc vào là sau một thời gian ngắn mít sẽ chín.

Đây là loại "thần dược" mới xuất hiện trong năm 2016 này, "thần dược" làm chín mít được dùng trước đều đã lỗi thời rồi.

Nếu muốn mít chín càng nhanh thì liều lượng pha càng tăng lên, ví dụ muốn nay tiêm mà mai mít chín thì cứ thế đổ vào, không phải pha gì, nồng độ thuốc càng loãng, thời gian mít chín sẽ càng lâu.

Loại thuốc này được bán tại các cửa hàng thuốc trừ sâu, hỏi mua thuốc thúc chín hoa quả, giá 2000đ/ 1 liều.

Bao bì được thiết kế bắt mắt với hàng loạt các loại trái cây quen thuộc ở Việt Nam như chuối, hồng, đu đủ... đặc biệt, trên bao bì của sản phẩm không hề có hướng dẫn sử dụng, thành phần... mà chỉ có hàng chữ Việt Nam "Hoa quả thúc chín tố".

Nơi sản xuất cũng được ghi rõ ràng bằng tiếng Việt dưới cuối bao bì "nhà máy nông nghiệp hóa công Nam Ninh, Quảng Tây", cùng dòng lưu ý ghi bằng tiếng Việt "loại thuốc này có thể ăn mòn kim loại".

Bên cạnh đó, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật của bộ NN&PTNT có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2015 không có bất cứ tên thuốc nào là "Hoa quả thúc chín tố".

Trong khi đó, ngày 4/5, tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn", ông Vũ Vinh Phú (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội) đã khẳng định, thực phẩm bẩn đang tuồn vào cả những siêu thị uy tín, trở thành quốc nạn.

Theo ông Phú, người tiêu dùng hiện nay đang lạc vào ma trận hàng hóa và không thể phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn.

"Họ đang thiếu phương tiện kỹ thuật trong tay. Các công cụ que thử, máy sục ozone đều không thể chỉ ra chính xác thực phẩm bẩn và người tiêu dùng thì không thể chỉ dùng mắt thường mà biết được", ông khẳng định.

Ông Phú cho rằng, sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn phải được xem là một tội ác. Vì các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm cũng đã gây nên nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hàng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.

Theo ông Phú, nhà nước cần có cách quản lý chặt chẽ, khoa học hơn vì nếu chỉ lo chạy theo những vấn đề phát sinh thì e rằng, 8-10 năm nữa nhìn lại, Việt Nam vẫn ngập chìm trong vấn nạn thực phẩm bẩn.

Tuệ Lâm (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/mit-tiem-thuoc-21-tan-muc-thoi-ra-bac-tieu-thu-3307626/