Miniso bán hàng Trung Quốc: Sự lập lờ cố ý?

Đây có thể là chiêu thức marketing, cố tình lờ đi xuất xứ hàng hóa để lách luật.

Trong tháng 9 vừa qua, Hà Nội xuất hiện 3 cửa hàng Miniso chuyên bán các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng, thời trang, phụ kiện kỹ thuật số, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm khác.

Đáng chú ý, khi nhìn thoáng qua, nhiều người trên thế giới sẽ cảm thấy tấm bảng hiệu có thiết kế khá quen thuộc với 2 hình vuông màu đỏ theo dạng túi xách với kiểu chữ Katakana (Nhật Bản) và Latin cùng màu trắng.

Logo của Miniso và Uniqlo trông... na ná nhau.

Bên trong cửa hiệu, có cách bố trí bày bán lại giống với nhà bán lẻ Muji và cửa hàng 1 USD. Thế nhưng, các sản phẩm bày bán đa phần đều gắn mác "Made in China".

Vậy việc bố trí bề ngoài giống một cửa tiệm chuyên bán hàng Nhật, từ biển hiệu đến nhãn mác đều chi chít tiếng Nhật nhưng sản phẩm tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc là vì mục đích gì? Đây có phải là một chiến lược marketing hết sức hiệu quả khi người Việt Nam rất chuộng hàng Nhật Bản?.

TS. Vũ Trí Dũng (ĐH Kinh tế Quốc dân) thừa nhận, sự nhập nhèm trên có thể là cố ý của Miniso.

Trên thực tế, ông Dũng cho biết, việc làm của Miniso không sai nhưng nó không rõ ràng và dễ gây nhầm lẫn giữa thương hiệu bán lẻ Nhật Bản với thương hiệu sản phẩm Nhật Bản.

Theo đó, ông Dũng chỉ ra hai vấn đề cần phân định rõ ràng về thương hiệu phân phối sản phẩm và thương hiệu của nhà sản xuất hàng hóa.

Về thương hiệu phân phối, ông Dũng cho biết, Miniso là thương hiệu của nhà phân phối và là thương hiệu Nhật Bản. Tại đây họ có thể bày bán các loại sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước khác nhau không nhất thiết phải là sản phẩm do Nhật Bản sản xuất.

Về thương hiệu nhà sản xuất hàng hóa theo ông Dũng, sử dụng thương hiệu bán lẻ của Nhật Bản không có nghĩa buộc phải bày bán sản phẩm có xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng sản phẩm dù sản xuất ở Nhật Trung Quốc hay bất kỳ nước nào cũng buộc phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn chất lượng của Nhật.

Trở lại câu chuyện Miniso ở Việt Nam, ông Dũng cho rằng dù mượn thương hiệu phân phối của Nhật Bản nhưng nếu muốn làm ăn lâu dài doanh nghiệp này không nên tạo ra một sự không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Với tất cả thông tin giới thiệu trên trang web của đơn vị này kiểu như Miniso Việt Nam - Mua sắm tất cả sản phẩm chính hãng Miniso Japan rất đễ khiến khách hàng bị nhầm tưởng được mua sản phẩm sản xuất tại Nhật với chất lượng Nhật nhưng thực chất là đang sử dụng hàng Trung Quốc.

Đây có thể là chiêu thức cố tình lờ đi xuất xứ hàng hóa để lách luật.

"Sẽ không có gì đáng nói nếu là sản phẩm Trung Quốc nhưng được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật, vì sự nhập nhèm này không gây hại tới quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý thị trường quản lý không tốt, không kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì vô hình chung khách hàng Việt sẽ phải mua hàng Trung Quốc chất lượng kém mà giá lại cao", ông Dũng nói.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc công bố thông tin cụ thể về thương hiệu phân phối, các cơ quan quản lý cũng phải yêu cầu doanh nghiệp công bố cụ thể thông tin thương hiệu sản phẩm đăng ký theo tiêu chuẩn nào? Thông tin đó phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trên từng sản phẩm bày bán.

Ông lấy ví dụ như hệ thống bán lẻ Daiso của Nhật Bản họ bày bán đồng loạt sản phẩm với một giá nhưng khi bán hàng Việt Nam sản phẩm sẽ có nhãn mác được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Tương tự với các sản phẩm của nước khác cũng vậy.

Về phía Nhật Bản, TS Vũ Trí Dũng cũng cho biết, cac thương hiệu bán lẻ nước này chắc chắn sẽ không để sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới uy tín, chất lượng thương hiệu của họ. Do đó, họ sẽ lên tiếng.

Mà thực tế, câu chuyện này cũng đã được truyền thông nước Nhật đưa ra lời cảnh báo và cho rằng nhiều thương hiệu nước này đang bị Trung Quốc lợi dụng tại Việt Nam.

Thông tin trên tờ Nikkei Nhật Bản cho biết tất cả các cửa hàng Miniso tại Hà Nội và TP.HCM hiện đều đang bày bán hàng Trung Quốc: “Bên trong, tất cả sản phẩm đều có ký hiệu, nhãn mác tiếng Nhật, nhưng thật sự xuất xứ từ Trung Quốc”. Tờ báo này cũng cho rằng đây có thể là chiêu bài marketing đánh lừa tâm lý nhiều người Việt Nam do lo ngại về hàng Trung Quốc kém chất lượng và ưu chuộng hàng Nhật.

Hãng truyền thông Nhật Bản cũng không ngần ngại đặt thẳng vấn đề: Đây có lẽ là chiêu “làm mới thương hiệu có chút sáng tạo” để tăng doanh thu của doanh nghiệp Trung Quốc?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/miniso-ban-hang-trung-quoc-su-lap-lo-co-y-3321216/