Minh bạch thông tin, thoái vốn thành công

Hội nghị “Thoái vốn Nhà nước và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK” được tổ chức mới đây đã công bố những con số rất đáng chú ý: Tính đến tháng 9-2016, trong số gần 1.000 tiếp nhận, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn thành công tại 928 doanh nghiệp (DN), trong đó bán hết vốn tại 830 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn 6.199 tỷ đồng, thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần).

Có thể thấy điểm quan trọng giúp công tác bán vốn của SCIC mang lại hiệu quả cao là việc nghiên cứu kỹ thị trường và DN để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng và duy trì mạng lưới các NĐT quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch… Nhưng thoái vốn không chỉ đem lại lợi ích cho bên bán mà còn có bên mua, vì vậy một thương vụ thành công cần có sự hài lòng từ cả 2 phía và khi đánh giá cũng xem xét tác động từ nhiều chiều. Một trong những yếu tố quan trọng giúp các đợt thoái vốn có thể thành công chính là công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và nếu tiếp tục được cải thiện công tác thoái vốn của SCIC sẽ còn thuận lợi hơn nữa.

NĐT thường có xu hướng trả một mức giá tốt hơn cho những CP họ hiểu rõ thông qua công tác quan hệ NĐT (IR) và PR. Nhìn vào số lượng hàng trăm, hàng ngàn DN SCIC thoái vốn hoặc có ý định thoái có thể tạm chia làm 2 nhóm. Thứ nhất là những DN hoạt động hiệu quả, có tên tuổi và thường là những DN niêm yết. Về mặt thông tin, nhóm này rõ ràng được hưởng lợi vì NĐT quan tâm, các phương tiện truyền thông khai thác. Thị trường sẽ có nhiều hơn những so sánh, mổ xẻ, bình luận và qua đó có thể lựa chọn một mức giá chuẩn nhất. Thứ hai, với nhóm DN ít tên tuổi hơn và thường là chưa niêm yết, những thông tin liên quan đến việc thoái vốn thường khá hạn chế, khiến việc tiếp cận của NĐT bị ảnh hưởng. Thực tế có những DN có thể gặp khó khăn nhất thời hoặc lợi thế chưa được khai thác hết, dù chưa có tên tuổi nhưng vẫn có những tiềm năng nhất định. Để quảng bá được những DN này đòi hỏi tốn kém rất nhiều công sức, chi phí thời gian.

Có thể trong rất nhiều DN SCIC có dự định hoặc tiến hành thoái vốn, mỗi DN có một đặc điểm khác nhau và đương nhiên việc quảng bá có thể đòi hỏi sự chi tiết, riêng biệt. Nhưng thiết nghĩ, với vị thế là cổ đông lớn, SCIC có thể đôn đốc các DN thực hiện điều này hoặc thậm chí các CTCK, nơi đứng ra làm đại lý đấu giá cũng có thể đẩy mạnh việc quảng bá này.

Nói về thông tin thoái vốn trong khoảng vài năm gần đây, SCIC cũng có nhiều sự cải thiện và quyết liệt, chẳng hạn danh sách các DN “siêu tổng công ty” này dự định thoái vốn thường được công bố. Về mặt thông tin, tất cả đều được phản ánh trên website của SCIC cũng như thông tin trên báo chí. Chẳng hạn, truy cập vào website của SCIC có thể có được danh sách bán vốn nhưng có một thực tế là cách thức trình bày khô khan, thực dụng, không bắt mắt sinh động. Điều này không phải là vấn đề đối với các CTCK, NĐT tổ chức hay những NĐT có kinh nghiệm, nhưng đối với những NĐT cá nhân có thể làm giảm đi khả năng thu thập thông tin. Về lý mà nói, SCIC chuyển tải thông tin phù hợp, vừa đủ, tìm được người mua bán được phần vốn của mình là đạt yêu cầu. Nhưng việc bán vốn như thế nào nếu được quảng bá một cách phù hợp sẽ tạo được hiệu ứng lan rộng. Có thể trong một số đợt bán vốn, nhóm đối tượng khách hàng SCIC hướng đến không phải là NĐT cá nhân, nhỏ lẻ nhưng nếu mặt hàng bán ra nhận được sự quan tâm của nhóm này lợi thế về mặt dài hạn không hề nhỏ.

Nên chăng, SCIC lập một lịch trình, hay “thời khóa biểu” về tiến trình thoái vốn tại các DN và những thống kê chi tiết hơn, chuyển tải sinh động hơn nữa để chuyển tải đến báo chí, các CTCK qua đó đến với NĐT. Những thông tin này khi được chuyển tải liên tục, thông suốt, NĐT sẽ nắm rõ từ tổng thể tới chi tiết các nguồn hàng SCIC đưa ra thị trường theo từng mốc thời gian. Nhờ vậy, sự chuẩn bị về mặt dòng tiền, thu xếp vốn sẽ trở nên chủ động hơn với bên mua. Điều này giúp quá trình thoái vốn diễn ra nhanh chóng, trôi chảy hơn và tất nhiên SCIC có thể bán được với giá tốt hơn và thu về được nhiều tiền hơn.

Chiến lược thoái vốn của SCIC tại những DN lớn, đầu ngành đang niêm yết thời gian vừa qua rất hợp lý khi tạo ra sự quan tâm của dư luận, NĐT. Nhờ vậy, giá CP thường có diễn biến thuận lợi, tạo ra cơ hội cho NĐT kể cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Vì vậy, một sự đầu tư kỹ lưỡng hơn nữa về thông tin cho các DN có quy mô nhỏ hơn, chưa niêm yết cũng không kém phần quan trọng cho công tác thoái vốn của SCIC.

(quận 6, TPHCM)

NĐT Bùi Gô

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161029/minh-bach-thong-tin-thoai-von-thanh-cong.aspx