Minh bạch giá điện như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng từ ngày 15-8-2017. Theo quyết định mới này, “việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch”. Câu hỏi đặt ra là ngành điện sẽ công khai, minh bạch như thế nào?

Muốn đưa giá điện tiến dần ra thị trường, việc công khai các phương án giá trước khi điều chỉnh để xã hội cùng phản biện, giám sát và chuẩn bị sẵn tâm lý là cần thiết..Ảnh: TL

Trước đây, giá điện và giá xăng, dầu tăng, giảm không theo quy luật thị trường mà theo sự quản lý của Nhà nước nên dẫn đến các “cú sốc” điều hành giá, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để đưa dần giá điện, giá xăng dầu theo thị trường, Chính phủ lần lượt thay đổi các quyết định, cơ chế giá bán lẻ điện, xăng.

Cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng, dầu theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP đang được áp dụng là một bước tiến dài so với cơ chế trước đó. Nghị định 83 - dù còn có nhiều điểm phải bàn - song đã giúp người dân, doanh nghiệp có được hình dung về cách thức điều hành giá bán lẻ xăng, dầu, trên cơ sở công thức tính giá đầy đủ. Giá bán lẻ được cấu thành từ giá cơ sở, bao gồm giá nhập khẩu xăng dầu, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, các loại thuế, chi phí khác và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp... Do xăng, dầu thành phẩm có giá tham chiếu chính xác trên thị trường Singapore (mà người ta quen gọi là giá Flat’s) nên người dân có thể tự tính được giá xăng dầu cơ sở, từ đó tính được mức giá bán lẻ như thế là hợp lý hay chưa. Đồng thời, người dân cũng có thể dự đoán được mức độ tăng, giảm của giá xăng, dầu.

Muốn đưa giá điện tiến dần ra thị trường như giá xăng, việc công khai các phương án giá trước khi điều chỉnh để xã hội cùng phản biện, giám sát và chuẩn bị sẵn tâm lý là cần thiết.

Đến đây cũng sẽ có người hỏi là giá bán lẻ điện bình quân đâu có giống như giá xăng, dầu để so sánh về độ minh bạch vì chi phí, cơ sở hình thành giá đầu vào của hai loại khác nhau. Giá điện (cơ sở) đâu có thị trường giao dịch mang tính tham chiếu như giá xăng trên thị trường Singapore để ai cũng có thể dễ dàng tính được. Mặt khác, theo quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện sắp áp dụng, các vấn đề như tỷ lệ tăng - giảm giá, thẩm quyền quyết định mức tăng và cách công khai giá (công khai sau khi có quyết định điều chỉnh chính thức) của điện cũng giống như của xăng. Vậy cần minh bạch thêm gì nữa?

Thực ra hiện nay, thông số đầu vào của các khâu hình thành nên giá điện như: phát điện, truyền tải, phân phối- bán lẻ, điều hành và quản lý ngành cùng với dịch vụ phụ trợ hệ thống điện còn nhiều điểm chưa minh bạch, thiếu cơ sở để so sánh, đối chiếu. Mà giá điện bình quân hàng năm được lập trên các thông số này: từ chi phí mua điện, chi phí và lợi nhuận định mức của các khâu nêu trên cùng với chi phí quản lý chung của EVN.

Ví dụ như chi phí mua điện được xác định dựa trên thị trường điện các cấp độ và hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 50% công suất phát của các nhà máy điện thực hiện cơ chế chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh, còn 50% sản lượng vẫn mua qua các hợp đồng mua bán mà không phải chào giá. Ở đây không có sự cạnh tranh nên việc kiểm soát giá mua điện cũng phải được thực hiện tương tự như đối với các hàng hóa độc quyền khác.

Tổng chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện cùng lợi nhuận định mức, bao gồm cả chi phí điều tiết thị trường điện lực, được tính trên cơ sở nào? Trên chi phí đầu vào của các đơn vị cung cấp dịch vụ thì cũng cần được công khai trong báo cáo về chi phí giá điện cuối cùng. Cho dù báo cáo kiểm toán về giá thành sản xuất điện hàng năm đều đưa con số này nhưng do báo cáo kiểm toán giá thành sản xuất điện có độ trễ hai năm nên việc quay lại tìm hiểu các thông số đầu vào cũng khó có thể đối chiếu chính xác.

Vậy tại sao không thể công bố các phương án dự kiến điều chỉnh giá điện ngay từ khi các phương án này mới gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan mà lại cho đây là các thông tin “mật”, dẫn đến việc cả xã hội phải “đoán già đoán non” về việc liệu sắp tới có tăng giá điện hay không, tăng bao nhiêu.

Quyết định “về danh mục bí mật Nhà nước độ Mật của ngành Công Thương” do Bộ Công an ban hành năm 2008 có quy định những thứ chưa công bố, gồm “các loại chỉ số tổng hợp về giá cả và phương án chỉ đạo về giá, điều chỉnh giá” nên có thể các phương án dự kiến điều chỉnh giá điện cũng bị điều chỉnh theo quyết định này. Song, lưu ý là, Pháp lệnh về bảo vệ bí mật Nhà nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2000 lại không liệt kê phương án điều chỉnh giá chưa công bố (nói chung) vào danh sách mật hay tối mật cần thiết.

Muốn đưa giá điện tiến dần ra thị trường như giá xăng, việc công khai các phương án giá trước khi điều chỉnh để xã hội cùng phản biện, giám sát và chuẩn bị sẵn tâm lý là cần thiết.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/162680/minh-bach-gia-dien-nhu-the-nao.html