Minh bạch để kiểm soát quyền lực

Những băn khoăn, trăn trở của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp vừa qua cho thấy hiện trạng của sự thao túng quyền lực đang diễn ra trong xã hội ta và đề xuất những biện pháp để kiểm soát quyền lực. Tựu trung, muốn kiểm soát quyền lực thì cần sự minh bạch, bởi chính việc thiếu công khai, tránh né “vấn đề nhạy cảm” đã làm cho quyền lực không được kiểm soát và gây ra những hệ lụy đáng tiếc

Ảnh minh họa.

Ví dụ như trường hợp bổ nhiệm các cương vị lãnh đạo tràn lan, cả họ cùng “làm quan” ở một huyện hay biểu hiện ở những “chuyến tàu vét” lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, những hiện tượng “chọn người nhà, bỏ người tài”,... đều là các biểu hiện của sự thao túng quyền lực, nói khác đi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm theo ý mình, có tính chất vụ lợi mà vẫn “đúng quy trình”.

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội hiến kế cho Nhà nước các biện pháp kiểm soát quyền lực, ví dụ lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, các phương tiện truyền thông hoặc người dân kiểm soát quyền lực,... điều này là đúng đắn, tuy nhiên muốn khả thi được thì cần một điều kiện tiên quyết đó là phải công khai, minh bạch điều đó thì mới thể kiểm soát nổi.

Đến ngay như một Chủ tịch tỉnh cũng không nắm được nội tình một sở thuộc quyền quản lý của mình thì kiểm soát nỗi gì.

Ngay cả những sự việc khuất tất bị báo chí hoặc dư luận phanh phui thì vẫn ở trong sự “bán tín, bán nghi” khi cơ quan hoặc người có trách nhiệm trả lời vẫn cho rằng cần có thời gian để điều tra, làm rõ hoặc đơn giản hơn là “chứng cứ đâu”.

Chính vì vậy mà nhiều việc “chìm xuồng” để lâu thành “hóa bùn” và không ai xem xét lại chuyện đó, cái sai cứ tiếp tục bởi người làm sai tin chắc rằng mình sẽ không hề hấn gì cả.

Có ý kiến đề xuất cũng rất xác đáng rằng cần phải thực hiện văn hóa từ chức để những ai kém tài, thiếu hạnh từ chức nhường chỗ cho những người tài đức.

Thật đáng hoan nghênh nếu như văn hóa này được thực hiện nhưng để thực hiện nó cũng cần đến điều kiện tiên quyết là công khai, minh bạch để mọi người thấy rõ cái tài hèn, đức mọn của người đó, khiến người đó phải xấu hổ mà xin từ chức.

Còn hiện tại, ngay cả những người bị đề nghị từ chức nhưng vẫn khăng khăng “Đảng phân công, tôi phải làm, chưa ai cách chức tôi cả”.

Một điều rõ ràng rằng văn hóa từ chức chỉ có ở những người tự trọng, còn tham quyền, cố vị thì dù đuổi người ta vẫn tìm đủ mọi cách để bám lấy cái ghế quyền lực của mình.

Chủ trương xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo là một việc làm hợp lòng dân và ai cũng mong muốn, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ điều đó, mong muốn chủ trương thành hiện thực bằng sự hiến kế tâm huyết của mình.

Để thực hiện được điều đó thì trước hết cần minh bạch từ việc nhỏ nhất như đấu thầu một công trình hay lớn như nợ công quốc gia.

Hiện tại, làm một cái cầu treo hoặc một con đường dân sinh ở nông thôn thôi mà cũng như là “bí mật quốc gia” không ai biết tý gì, kể cả chính quyền địa phương, chưa kể đến việc bổ nhiệm cán bộ, chọn người vào biên chế thì làm sao có thể kiểm soát được quyền lực thông qua người dân hoặc báo chí?

Nên kiểm soát chặt chẽ cái quy chế dân chủ, công khai tại mỗi địa phương, đơn vị trước khi nghĩ đến “văn hóa từ chức” vốn rất xa lạ với quan chức chúng ta!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/minh-bach-de-kiem-soat-quyen-luc-d28301.html