Mimosa và mùa lá bạc hoa vàng bừng sáng cao nguyên

Mimosa là tên chung của những thực vật tiêu biểu trong họ Mimosaceae, có quê hương xa xưa ở Úc đã đến miền Nam nước Pháp giáp Địa Trung Hải từ thế kỷ 18 qua chuyến viếng thăm của vị thuyền trưởng nổi tiếng người Anh James Cook (1728 - 1779). Chúng đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện tự nhiên ở đây, tạo thành một dải từ Côte d'Azur (Bờ Biển Xanh) sang tận Bắc Ý... và đã gắn bó với vùng cao nguyên Việt Nam ta.

Hoa mimosa trên cao nguyên Đà Lạt - Ảnh: Internet

Hoa mimosa trên cao nguyên Đà Lạt - Ảnh: Internet

Mimosa gồm những loài thân gỗ, tán xòe, cành chi chít những nhánh nhỏ mang lá kép hình bầu dục, mặt dưới phủ một lớp phấn trắng nên khi gió lay cành lá lấp lánh ánh bạc. Hoa mimosa nở rộ vào mùa xuân, có hương thơm ngai ngái bâng khuâng gợi nhiều kỷ niệm... Mỗi đóa mimosa có dạng hình cầu sáng vàng rực rỡ như đang tỏa ra những tia nắng vui tươi, vì thế dân Pháp gọi nó là Mặt trời nhỏ đến từ nước Úc, còn người Ý hay gọi mimosa là O Sole Mio - Mặt trời nhỏ của tôi (tên một bài hát nổi tiếng ở Ý).

Mimosa biểu trưng cho những tình cảm chân thành và sự cảm thông, nó đã đến Đà Lạt ngay từ những ngày đầu thành phố này hình thành.

Năm 1898, một đồng nghiệp Pháp ở Viện Pasteur Paris đã gửi tặng bác sĩ Alexandre Yersin những giống mimosa từ quê nhà, để trên con đường khoa học gập ghềnh mà ông đã lựa chọn, ông sẽ luôn cảm thấy có những người bạn và cả nền y học Pháp ủng hộ mình. Yersin đã gửi những giống mimosa (thuộc 2 loài Acacia dealbata và Acacia podalyriifolia) vào Trạm Khí tượng và khảo cứu nông nghiệp Dankia (một buôn đồng bào K'ho cách Đà Lạt 7km) để tiện ươm trồng chăm sóc. Từ đó mimosa xuất hiện trên khắp cao nguyên Lang Biang...

Mimosa là vẻ đẹp của thành phố hoa Đà Lạt và vùng cao nguyên Lâm Đồng

Những năm 50 của thế kỷ trước, ở miền Nam nước ta có một loại keo dán thư gọi là keo mimosa.

Các nhà khoa học đã từng làm việc trong các cơ sở khảo cứu nông lâm thời đó kể lại rằng: Ngày ấy, trên cao nguyên Lang Biang và Di Linh có trồng khảo nghiệm mimosa và một số loài cây trong họ Mimosaceae như Acacia arabica (cây keo Ả Rập) để lấy nhựa cung cấp cho ngành mỹ thuật và bưu điện làm chất kết dính của sơn dầu và keo tráng sẵn lên tem, phong bì, đồng thời làm thùng lưu hóa rượu và nút chai cho rượu Cognac. Rồi sau này tất cả các loại keo Acacia đều được gọi là keo Mimosa...

Ngày nay trên những triền đồi thuộc các Trạm khảo cứu nông lâm ở Đà Lạt và Di Linh thỉnh thoảng người ta vẫn gặp những đám mimosa còn gốc tích của những cây mimosa cổ thụ. Đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi này quen gọi mimosa là Cây lá bạc hoa vàng và mùa xuân là Mùa lá bạc hoa vàng trên cao nguyên...

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Bích

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/mimosa-va-mua-la-bac-hoa-vang-bung-sang-cao-nguyen-54806.html