Miếng dán giảm cân - 'vị cứu tinh' cho phụ nữ hay nơi trú ngụ của mầm bệnh ung thư cổ tử cung?

Miếng dán giảm cân đang được nhiều chị em ưa chuộng do chẳng cần luyện tập nhưng vẫn có vóc dáng đẹp. Tuy nhiên, sự thực liệu có phải như vậy hay đây là nơi trú ẩn của mầm bệnh gây ung thư cổ tử cung?

Với những người lười tập luyện thì miếng dán giảm cân là biện pháp "cứu cánh" tuyệt hảo. Bạn chỉ cần dán miếng dán vào da ở những vùng tích mỡ trong cơ thể như bụng, bùi, mông, cánh tay... là người mập thành thon thả. Chẳng cần chế độ ăn kiêng hay tập luyện nhưng bạn vẫn có thể giảm từ 2-3kg trong 1 tháng.

Miếng dán "thần thánh" qua... lời quảng cáo

Theo lời quảng cáo của người bán thì khi dán chúng vào cơ thể, hoạt tính trong miếng dán sẽ tự động phát tán để hủy các mô mỡ, kích thích đốt mỡ và thải hồi qua đường mồ hôi và nước tiểu. Chính vì công dụng tại chỗ nên ngoài tác dụng làm giảm cân thông thường, những miếng dán này còn giúp người dùng có được cơ thể cân đối, săn chắc, thon thả hơn cả mong đợi. Ngoài ra, một số trang mạng còn quảng cáo về công dụng khác của miếng dán như trị được cả chứng mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ và thậm chí hạn chế được... bệnh đái tháo đường.

Miếng dán giảm cân đang được những người bán "thần thánh hóa". Ảnh: Tuổi trẻ

Không chỉ là miếng dán đơn giản, hiện tại có nhiều người kinh doanh online còn cung cấp một số sản phẩm có lắp đặt một bộ phận như pin điện tử. Bộ phận này được cho là có tác động tạo ra xung điện giúp hoạt chất trên miếng dán ngấm nhanh vào cơ thể.

Người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm này từ trên mạng hay cửa hàng bán thực phẩm chức năng. Theo chia sẻ của một số nhân viên cửa hàng thì những sản phẩm này đều có thành phần từ thiên nhiên với chiết xuất từ thảo dược như sáp ong, tảo biển, dầu ớt, hạt tiêu đỏ.

Theo nhân viên bán hàng thì chúng được chiết xuất từ thiên nhiên. Ảnh: Thời Đại

Miếng dán giảm cân tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư

Theo PGS.TS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, mỡ không thể tự thoát trực tiếp qua đường mồ hôi và nước tiểu như quảng cáo. Tiêu hao mỡ là quá trình phức tạp, chúng sẽ biến đổi thành năng lượng để đi nuôi cơ thể. Còn với việc lấy mỡ trực tiếp ra khỏi cơ thể thì phải cần tới phẫu thuật hoặc laser. Tuy nhiên, ngay cả phẫu thuật cũng không đảm bảo sẽ có di chứng để lại hay không.

Tuy nhiên, miếng dán giảm cân nguy hiểm bởi chúng có thể gây ung thư. Ảnh: Thời Đại

Bác sĩ Sơn cũng cho biết thêm, những sản phẩm giảm cân như vậy chủ yếu đánh vào tâm lý những người lười tập luyện nhưng lại mong muốn có thân hình đẹp, Bởi vậy, nhiều chị em tìm đến những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để giảm cân, làm đẹp tức thì và thường rơi vào cảnh tiền mất tật mang đáng tiếc.

Không chỉ thế, ông cũng đưa ra lời cảnh báo với loại miếng dán giảm cân này. Trong sản phẩm này có thành phần là hormone sinh dục nữ với tác dụng làm tiết nước rất mạnh ở các tế bào. Tuy nhiên việc sử dụng loại hormone này nếu không đúng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư tử cung, ung thư buồng trứng rất cao cho phụ nữ.

Bác sĩ Sơn đưa ra lời khuyên chị em không nên quá kỳ vọng vào những phương pháp giảm cân, làm đẹp trên trời. Cách tốt nhất để có thân hình lý tưởng chỉ có thể thông qua việc ăn uống, tập luyện và sinh hoạt điều độ. Về bữa ăn, chị em nên bổ sung nhiều rau xanh, tránh ăn nhiều đồ béo, nhiều tinh bột, thức ăn nhanh và chất kích thích... Bên cạnh đó nên tránh ngồi nhiều, ngồi lâu một chỗ gây tích mỡ thừa và dành thêm thời gian tập luyện.

Sự thật miếng dán giảm cân liệu có hiệu quả như lời quảng cáo? Ảnh: Tuổi trẻ

Theo TS Trần Văn Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, đối với bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng phải chú ý đến nhiều yếu tố như nhà sản xuất có uy tín, thành phần cấu tạo, cơ chế hoạt động, tránh việc sử dụng tùy tiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nghiên cứu gây nguy hại cho sức khỏe.

Riêng những sản phẩm sử dụng ngoài da, kể cả thuốc hay mỹ phẩm cần thử phản ứng trước bằng cách thoa, bôi lên vùng da mềm trong cánh tay, bắp tay, theo dõi từ 4-24 giờ, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường như sẩn ngứa, tấy đỏ... đều phải ngưng sử dụng.

Miếng dán tan mỡ bụng giảm cân. Nguồn: Bác sĩ Ngô Mộng Hùng

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/mieng-dan-giam-can-vi-cuu-tinh-cho-phu-nu-hay-noi-tru-ngu-cua-mam-benh-ung-thu-co-tu-cung-26414-8.html