'Miếng bánh' QL 1A: 'Chiều chuộng' BOT đến mức vô lý?

Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên-Huế) đang bị dư luận phản đối vì đưa trạm thu phí vào cách đó 7km, trước hầm đường bộ Hải Vân để thu phí.

Ráo riết cho việc thu phí

Báo điện tử Một Thế Giới nhận được phản ánh của người dân thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cùng nhiều doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng phản đối việc đặt trạm thu phí (TTP) hầm Phước Tượng – Phú Gia ngay trước hầm Hải Vân khiến hàng trăm chủ phương tiện sẽ mất tiền oan.

Hầm đường bộ Phú Gia, được đặt TTP cách đó 7km, ngay cửa vào hầm Hải Vân.

Dự án BOT (xây dựng, khai thác, chuyển giao) xây dựng hầm Phước Tượng (qua đèo Phước Tượng) – Phú Gia (qua đèo Phú Gia, đều thuộc huyện Phú Lộc) động thổ tháng 5.2013, tổng mức đầu tư trên 1.700 tỉ đồng. Chủ đầu tư là liên danh Phước Tượng – Phú Gia (Công ty CP Phước Tượng – Phú Gia BOT). Dự án thi công hầm đường bộ Phước Tượng (dài khoảng 345m, đường dẫn 3,46km) và hầm Phú Gia (497m), đường dẫn dài 2,47km.

Theo hợp đồng dự án (ký tháng 10.2013), sau khi hoàn thiện tại đây sẽ đặt 2 trạm thu phí gồm 1 trạm ở bắc hầm Phước Tượng (Km 868+100 QL 1A) và trạm còn lại ở nam hầm Phú Gia (Km 885+600 QL 1A); mỗi trạm thu phí theo một chiều xe chạy. Thời gian hoàn vốn là 18 năm 7 tháng.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, cùng với việc ký kết phụ lục bổ sung khối lượng (bổ sung nâng cấp QL 1A đoạn bắc Hải Vân từ Km 892+900 – cầu Lăng Cô), chủ đầu tư đã thay đổi vị trí đặt TTP. Cụ thể, thay vì bố trí hai trạm cạnh 2 hầm như ban đầu, đơn vị đã gộp làm một TTP đặt trước cửa hầm Hải Vân, cách hầm Phú Gia đến 7km.

Ông Hoàng Văn Châu (BQL dự án 4, Tổng cục Đường bộ, đơn vị quản lý nhà nước) xác nhận có việc thay đổi vị trí đặt TTP sau khi chủ đầu tư làm thêm đoạn QL 1A . Theo ông Châu, việc đặt TTP Phước Tượng – Phú Gia trên nền cũ của TTP bắc hầm Hải Vân là để tiết kiệm chi phí đầu tư, và đảm bảo khoảng cách do đã có một TTP ở Phú Bài.

TTP hầm Phước Tượng - Phú Gia nằm cách cửa hầm Hải Vân vài trăm mét.

Một lãnh đạo thuộc Cục Quản lý đường bộ 3 cho biết Cục đã bàn giao nhiệm vụ quản lý công trình hầm đường bộ Hải Vân cho Công ty CP đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân. Vị này cho hay việc TTP Phước Tượng – Phú Gia đặt ngay trước hầm Hải Vân là bất hợp lý và sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý hầm Hải Vân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, TTP Phước Tượng - Phú Gia những ngày này đã lắp đặt gần hoàn thiện và bắt đầu chạy thử. Trạm được đặt ngay trên nền cũ của TTP hầm đường bộ Hải Vân, cách cửa hầm phía bắc chừng 500m.

Tuy nhiên, một số hạng mục ở đường dẫn vào hầm Phú Gia vẫn chưa hoàn thiện, công nhân vẫn đang tiến hành lắp đặt và xây dựng các công đoạn còn dang dở.

Một số hạng mục trên đường dẫn vào hầm Phú Gia vẫn đang được thi công.

Công trình thi công đang ngổn ngang.

Vét tiền dân?

Thông tin TTP sắp đi vào hoạt động khiến dư luận tại Lăng Cô rất bức xúc. Nhiều doanh nghiệp vận tải, du lịch cũng bất bình và lo lắng. Anh Lương Đình Anh (thôn An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô) cho biết: “Vào mùa du lịch xe tôi chạy đều đặn hàng ngày. Nếu mỗi chuyến vào, ra hầm Hải Vân đều bị thu phí trong khi tôi không đi qua 2 hầm Phước Tượng và Phú Gia thì mỗi tháng tôi mất oan mấy triệu tiền phí rồi”. Anh Anh nhiều năm qua mưu sinh bằng nghề chạy xe 16 chỗ đưa đón khách du lịch tuyến Đà Nẵng – Lăng Cô.

Người dân đang rất bức xúc trước việc đặt TTP phi lý của doanh nghiệp.

Cũng như chủ xe này, hàng trăm người dân địa phương khác cùng nhiều doanh nghiệp cũng đang đứng ngồi không yên khi sắp bị thu phí một cách oan uổng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết có hơn 100 người dân Lăng Cô có các loại ô tô thường xuyên qua hầm Hải Vân vào Đà Nẵng. Ngoài ra, các doanh nghiệp taxi thì chưa thống kê hết.

Ông cho biết địa phương đã lập danh sách các hộ dân có ô tô chạy tuyến Lăng Cô - Đà Nẵng gửi chủ đầu tư đề nghị xem xét nhưng đến nay chưa có hồi âm. Việc này, ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT cho biết đang chờ ý kiến của Bộ GTVT vì Bộ cũng đang chờ xin ý kiến từ Bộ Tài chính.

Ông Hoàng Văn Châu cho biết: “Việc đặt TTP hầm Phước Tượng - Phú Gia trên nền cũ trạm thu phí bắc Hải Vân là để tận dụng cơ sở hạ tầng được Tổng cục Đường bộ giao cho để giảm chi phí đầu tư”.

“Bây giờ mà đặt trạm chính xác thì đặt trong ngay thị trấn Lăng Cô luôn, mà đặt như thế thì không được nên phải dời ra. Việc đặt trạm ở trước cửa hầm không liên quan đến việc điều hành hoạt động hầm Hải Vân”.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào dự án hầm đường bộ Đèo Cả, đồng thời giao Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả thực hiện. Dự án thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng; thời gian khởi công vào đầu năm 2016 và hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019.

Chỉ tính từ trạm thu phí Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) đến trạm thu phí Km 943+975 (Điện Thắng Bắc, T.X Điện Bàn, Quảng Nam) có chiều dài chừng 100km. Như vậy, QL 1A trên đoạn này hiện đã có 3 trạm thu phí. Nếu dự án mở rộng hầm Hải Vân hoàn thành thì việc người dân phải cõng phí là điều dễ hình dung.

Trả lời việc này, ông Hoàng Văn Châu cho rằng: “Chỉ một trạm đó thôi, người ta có thể tăng thêm thời gian thu phí cho hoàn thành dự án đấy, 1 trạm đó thôi”.

Còn ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT khi nói đến vấn đề thu phí sai chỗ của người dân thì cho rằng, người dân đi ô tô đoạn Lăng Cô - Đà Nẵng thì mất phí nhưng ngược lại thì người dân đi từ Huế về Lăng Cô lại không mất phí.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là dự án làm một đằng lại đặt trạm thu phí một nẻo!

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/mieng-banh-ql-1a-chieu-chuong-bot-den-muc-vo-ly-33572.html