Miền Trung - Tây Nguyên: Cần có bản đồ ngập lụt!

Việc xả lũ gây ngập nặng vùng hạ du tỉnh Phú Yên mấy ngày qua đặt ra câu hỏi lớn về công tác giám sát, điều tiết xả lũ của các thủy điện trên toàn hệ thống lưu vực sông Ba. Dù có nhận được thông báo xả lũ, thời gian xả nhưng các huyện vẫn lúng túng, không biết được mức độ, phạm vi ảnh hưởng. Đó là chưa kể Thủy điện An Khê - Ka Nak (thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai, thượng nguồn sông Ba) xả lũ không thông báo cho tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, thông tin đến với người dân vẫn chưa được đầy đủ, dẫn đến nhiều người vẫn chủ quan với lũ.

Người dân xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vất vả dọn lũ. Ảnh: NHIỆT BĂNG

Bản đồ ngập lụt có tác dụng đến đâu?

Huyện Đồng Xuân có 3 xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Sơn Bắc ngập nặng trong đợt lũ qua. Chị Cao Thị Thu (thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Lũ vào tôi dọn đồ không kịp, bò dắt đi tránh lũ cũng không kịp. Lúc thóc ướt hết. Lũ xong, nhà tôi phải ăn nhờ nhà hàng xóm”.

Theo chị Thu, trước khi có lũ, chính quyền có thông báo nhưng sau khi mưa lớn, điện cúp thì chị không nghe thông báo nữa nên cũng không biết lũ về như thế nào. Ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay các thủy điện trên lưu vực sông Ba đã xây dựng bản đồ ngập lụt cho hạ du và tỉnh đã triển khai về các huyện. Tuy nhiên, ông Thế cho rằng: “Khi có xả lũ, lãnh đạo các huyện biết nhiều hơn, còn dân biết thông tin chưa đầy đủ. Dựa trên bản đồ ngập lụt, khi có lũ, các địa phương sẽ biết thôn, xóm nào ngập trước và tổ chức di dời dân ở thôn đó đi nơi khác”.

Tuy vậy, các chủ tịch huyện tỉnh Phú Yên bị ảnh hưởng từ lũ thủy điện sông Ba lại tỏ ra khá túng túng khi PV Lao Động đặt vấn đề về thông tin bản đồ ngập lụt.

Chủ tịch huyện Đông Hòa, Võ Ngọc Hòa cho biết: “Năm nay khác các năm là thủy điện Sông Ba Hạ có thông báo xả lũ qua điện thoại cho tôi trước. Tuy vậy, lãnh đạo huyện nắm thôi nên việc triển khai đến dân cũng còn chậm” - ông Hòa cho hay. Còn Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh nói rằng: “Hồ đập tràn tự do nên không biết được lưu lượng bao nhiêu. Mưa nhiều nó tràn nhiều, mưa ít nó tràn ít”. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng: “Các thủy điện trên địa bàn khi xả lũ thì tỉnh nắm được lưu lượng, còn ngoài địa bàn, mà vừa qua là thủy điện An Khê - Ka Nak cứ xả xuống Phú Yên chứ không thông báo gì nên chịu”.

Từ năm 2009 đến nay, dân Phú Yên tương đối an toàn, mới có lũ chứ chưa có bão, nhưng chỉ đợt xả lũ kèm mưa lớn vừa qua, đã có 7 người chết.

“Chúng tôi cần biết sau 4 giờ nước về đến đâu”

Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Pa (Gia Lai) - ông Đinh Xuân Duyên - cho biết, đợt mưa lũ đã gây thiệt hại cho huyện 36,5 tỉ đồng.

“Nếu ứng với mức độ xả 500m3/s hoặc 1.000m3/s thì 2 giờ nước về đến đâu, 4 giờ đến đâu? Xuống TX An Khê thì lượng nước bao nhiêu, rồi Krông Pa, Ia Ly là bao nhiêu? Để chúng tôi còn biết mà chủ động phòng tránh, thế nhưng huyện Krông Pa không có bản đồ ngập lụt” - ông Duyên bức xúc.

Ông Duyên bày tỏ: “Về nguyên tắc thì phải có bản đồ ngập lụt, như thế, vùng hạ du chủ động hơn trong việc phối hợp, dự đoán các tình hình, từ đó thuận tiện hơn cho việc di dân, cât giữ tài sản.

“Thủy điện Knông H’Năng (Đắk Lắk) có bản đồ ngập lụt, từ đó người ta tính toán lượng nước đổ về hạ du là bao nhiêu, nhưng thủy điện An Khê - Ka Nak thì không có” - ông ca thán.

Ông cho biết, thời gian tới sẽ có kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Công Thương khẩn thiết thành lập bản đồ ngập lụt.

Trong khi đó, Chủ tịch thị xã Ayun Pa Nguyễn Văn Lộc cho hay, vì không có bản đồ ngập lụt, khiến lúa chưa gặt đã ngập, nhà cửa, máy móc bị bị trôi sập. “Vùng ngập và lưu lượng xả bao nhiêu chúng tôi không thể biết. Thủy điện An Khê - Ka Nak đã không thực hiện quy trình lệnh vận hành liên hồ chứa mà tỉnh phê duyệt” - ông Lộc khẳng định.

Ông nói thêm, Thủy điện Ia Ly tính toán được lưu lượng nước về hồ là có bản điện tử thông báo, từ đó mọi người đều theo dõi được. Lưu lượng về bao nhiêu, từ đó xả bao nhiêu, ngày giờ nào xả có hết. Cao trình lòng hồ mực nước bao nhiêu, buộc phải xả bao nhiêu, mọi người dân đều theo dõi được.

“Với thủy điện Ia Ly, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể ra lệnh cho xả vì toàn bộ thông tin đưa lên mạng, tại sao An Khê - Ka Nak không làm. Đến ngày đó ông còn tích nước trong hồ, trong khi dự báo lũ sắp về, Bộ Công Thương ra lệnh một cái mốc phải xả thì buộc phải xả, nếu không sẽ phê bình ngay. Thủy điện Ia Ly có làm, nhưng An Khê - Ka Nak có làm đâu” - ông Lộc đặt câu hỏi.

Ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch tỉnh Phú Yên cho hay: “Sắp tới đây sẽ có hội nghị liên vùng ở Phú Yên nên bàn về việc điều tiết xả lũ của các thủy điện trên lưu vực sông Ba (trong đó, có thủy điện An Khê - Ka Nak) chứ xả như thế dân không chịu nổi”.

NHIỆT BĂNG - ĐÌNH VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/mien-trung-tay-nguyen-can-co-ban-do-ngap-lut-608950.bld