Miền Trung: Mưa giảm nhưng nhiều nơi vẫn còn ngập

Hôm nay (4/12), tại các tỉnh miền Trung đã ngớt mưa, nhưng nhiều nơi vẫn còn ngập nước do các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ.

Hiện, mực nước ở hầu hết các hồ thủy lợi khu vực Nam Trung bộ đạt từ 90% đến 96% dung tích thiết kế nên chưa thể đóng cửa van để tích nước. Các địa phương miền Trung tiếp tục triển khai các phương án đối phó với mưa lũ dài ngày cùng với lượng nước các hồ chứa đổ về hạ du.

Đường phố Tam Kỳ

Sáng nay, hồ chứa nước Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam giảm lưu lượng xả xuống còn 300 m3/giây, giảm hơn 160 m3/giây so với chiều hôm qua. Mức xả không lớn nhưng do khu vực hạ du mấy ngày qua mưa to nên khu vực sông Tam Kỳ nước dâng cao gần 2,5 mét.

Nhiều khu dân cư ở thành phố Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành vẫn còn ngập sâu. Ông Nguyễn Văn Thạch ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, nước ngập là do hồ Phú Ninh xả lũ với lưu lượng lớn; bên cạnh đó, tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi như con đê chắn ngang nên nước rút không kịp.

Đến nay, chính quyền thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã di dời 23 hộ dân, chủ yếu là người già neo đơn, đến nơi an toàn. Trong sáng nay, chính quyền thành phố tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết và lưu lượng xả lũ hồ Phú Ninh để triển khai các biện pháp ứng phó.

Ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, hồ Phú Ninh đang giảm lưu lượng xả nhưng chúng tôi cũng không chủ quan, vẫn có phương án để phòng chống một cách kịp thời nhất và hiệu quả nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế mưa to, nước lũ dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hương, khu vực tổ dân phố 3, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà xuất hiện 3 điểm sạt lở, cuốn trôi vườn tược và đe dọa trực tiếp đến nhiều hộ dân. Mưa lũ trong những ngày qua cũng làm hệ thống kè mềm ở bờ biển ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sóng đánh vỡ 5 mỏ hàn mềm, cuốn trôi khoảng 4.000 m 3 đất cát, ảnh hưởng đến nhà ở của gần 100 hộ dân. Tại khu vực bờ biển xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang bị sạt lở trên tổng chiều dài 500m; bờ biển xã Vinh Hải, Tư Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị sạt lở nặng.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến của các điểm sạt lở, đặc biệt là các điểm sạt lở khẩn cấp ảnh hưởng đến dân sinh để có phương án di dời cũng như đảm bảo an toàn đi lại có người dân. Về lâu dài tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành liên quan rà soát có phương án cụ thể để có gải pháp hạn chế sạt lở sông Hương, cũng như vấn đề sạt lở bờ biển hiện nay của tỉnh”.

Sáng nay, tại tỉnh Bình Định ngớt mưa, nước lũ rút, giao thông trở lại bình thường. Đại tá Trần Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết, ngay sau khi nước rút, đơn vị đã huy động gần 600 cán bộ chiến sỹ xuống các địa bàn bị thiệt hại nặng giúp dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý hàng ngàn giếng nước bị ngập, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sau lũ. Ngoài việc giúp dân, các lực lượng còn giúp ở các khu vực trường học, bệnh viện vừa qua bị ngập lụt.

Theo thống kê, mưa lũ mấy ngày qua khiến hơn 18.700 gia súc, gia cầm ở bị chết; hàng trăm km đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục ngàn ha rau màu của người dân bị hư hại. Mưa lũ làm 10 người chết, 3 người bị thương, gần 100 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng./.

PV/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/mien-trung-mua-giam-nhung-nhieu-noi-van-con-ngap-574817.vov