Miền Trung: Lũ lên nhanh, dân không kịp trở tay

Mưa lũ đã gây sạt lở, ngập nhà, cuốn trôi hàng ngàn gia súc, gia cầm và cô lập nhiều địa phương tại Bình Định. Tại Quảng Nam, lũ về lớn, người dân lo nhất là thủy điện xả đồng loạt.

Tháo chạy

Gần 3 năm nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định mới có mưa lũ vì vậy lần này người dân khá bất ngờ. Ngày 3.11, hàng chục nhà dân tại phường Trần Quang Diệu (TP.Quy Nhơn) đã ngập trong biển nước.

Theo bà Nguyễn Thị Phương (54 tuổi, trú phường Trần Quang Diệu), nước dâng lên cao từ 4 giờ sáng và nhanh chóng gây ngập gần lút nóc nhà.

“Tôi đi bộ vào nhà thì nước lút đến tận cổ nên đành phải dùng phao tự chế. Nước lên nhanh, quá trở tay không kịp. Nhiều vật dụng trong nhà để đó, phó mặc cho trời đất”- bà Phương cho hay.

Nước ngập quá nhanh, bà Nguyễn Thị Phương (54 tuổi, trú phường Trần Quang Diệu) phải di chuyển bằng phao tự chế. ảnh: Dũ Tuấn

Nước lên cả đêm chúng tôi không ngủ để tìm cách chống chọi nhưng không được, vật dụng để trong nhà không vận chuyển đi đâu được cả. Hiện tại, nước ngập đến gần 2m, chúng tôi rất lo lắng”.

Ông Phạm Minh Tiến (47 tuổi, trú TP.Quy Nhơn)

Để lưu thông, người dân tại đây phải dùng phao tự chế và ghe... di chuyển trên đường. Do không vận chuyển đồ đạc kịp, nhiều người đành dùng tạm bữa mì tôm sống, cơm hộp… ở lại nhà để canh giữ tài sản của mình trước dòng nước dữ tợn.

Ông Phạm Minh Tiến (47 tuổi, trú TP.Quy Nhơn) chia sẻ: “Nước lên cả đêm chúng tôi không ngủ để tìm cách chống chọi nhưng không được, vật dụng để trong nhà không vận chuyển đi đâu được cả. Hiện tại, nước ngập đến gần 2m, chúng tôi rất lo lắng”.

Tại huyện Tuy Phước, các khu vực bị ngập nước chia cắt 3 thôn trên đường liên xã Phước Nghĩa – Phước Hiệp, nước qua tràn trên đường ĐT 640 ở thôn Kim Tây, nước chia cắt thôn Kim Đông, Huỳnh Giản (xã Phước Hòa) khiến giao thông bị gián đoạn. Hơn 30.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện Tuy Phước phải nghỉ học và gần 15.000 công nhân ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước cũng không thể đến nơi làm việc vì bị nước lũ chia cắt. Tuyến xe buýt từ thị trấn Tuy Phước về các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và xã Cát Tiến của huyện Phù Cát phải tạm dừng hoạt động. Một số địa phương trong huyện đã bị mất điện.

Ông Trần Kỳ Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết: “Giao thông của 8/13 xã, thị trấn bị chia cắt, nghiêm trọng nhất là 4 xã khu Đông. Các tràn đường liên xã đến các địa phương đều bị ngập, nước chảy xiết, mực nước ngập từ 0,6-0,8m. Các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Quang và thị trấn Tuy Phước giao thông đi các thôn bị chia cắt hoàn toàn, các tràn ngập sâu 0,8-1m, riêng các xã Phước Thắng, Phước Hòa đã bị mất điện”.

Cô lập, sạt lở nhiều nơi

Tại TX.An Nhơn, các khu vực bị ngập nước chia cắt tại cống Bánh Trén, cống Ba Trang 211 hộ và khu vực An Lợi (xã Nhơn Thành), xóm làng nghề Bầu Đá xã Nhơn Lộc và tại thôn Nghiễm Hòa, Hoàng Nghi (phường Nhơn Hòa, sạt lở đê Bờ Mọ khu vực An Lợi khoảng 30m.

Ông Trần Quốc Lại - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Hiện tại đoạn đường Vĩnh Sơn - Vĩnh Kim bị sạt lở, tắc đường, giữa Vĩnh Sơn-Vĩnh Kim không lưu thông, trục đường ven hồ của huyện bị sạt lở, xe không lưu thông lên Vĩnh Kim”.

Ngày 3.11, tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT -TKCN tỉnh Bình Định, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Hàng chục nhà ở bị sập, tốc mái, 1.211 nhà ngập nước, 12km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, khối lượng 4.600m3, 1.324ha lúa mùa, 24ha màu bị ngập, 3.500 con gia cầm, 43 con gia súc bị chết, cuốn trôi.

Ông Ngô Đức Hoài - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Bình Định) cho biết: “QL 1D có 3 điểm sạt lở. Đường Tỉnh lộ 640 từ cầu Ông Đô ra xã Cát Tiến bị chia cắt, nhiều tuyến đường liên tỉnh Hoài Ân, Phù Mỹ… không thể lưu thông. Chúng tôi đã huy động gần như 100% anh em bố trí nằm trên đường, ăn mì tôm, bánh mì tại chỗ… để hỗ trợ người dân, phân luồng giao thông…”.

Vẫn lo thủy điện xả

Còn tại Quảng Nam, ngày 3.11, ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay mực nước lũ trên sông Vu Gia chạy qua địa bàn đang xuống và mưa cũng bắt đầu ngớt dần. Tuy nhiên, huyện vẫn bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn ở những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết không cho người dân qua lại ở các xã Đại Cường, Đại Lãnh và thị trấn Ái Nghĩa. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã nghiêm cấm người dân đi vớt củi, bắt dế trong lũ. Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn có hơn 1.000 học sinh các cấp đã phải nghỉ học.

Sáng ngày 3.11, ông Nguyễn Côi (thôn Tân An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) và một số hộ dân trong ra cánh đồng để chuẩn bị lùa trâu lên núi tránh lũ thì phát hiện 3 con trâu bị chết nằm ngay dưới đường dây điện 500kV, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Để hạ mực nước của các hồ thủy điện về mực nước chết đón lũ, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã có Văn bản số 152/BCH, yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, vận hành hạ dần mực nước hồ về mực nước trước lũ.

Theo đó, cho phép Thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang) tiến hành xả lũ với lưu lượng xả từ gần 265 m3/s đến đỉnh lúc 6 giờ sáng cùng ngày là 644 m3/s. Đến 10 giờ ngày 2.11, lượng xả lũ ở thủy điện Sông Bung 4 còn 547 m3/s.

Còn Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mi 4 phát đi Thông báo số 128/TB-CT thông báo: “Công ty sẽ vận hành cửa van cung tăng dần lưu lượng từ 500m3/s đến 2400 m3/s để hạ mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ (+255m3/s) từ 14 giờ”.

Hà Tĩnh: Nguy cơ không sản xuất được vụ đông

Chiều 3.11, trao đổi với PV NTNN ông Ngô Đức Hợi-Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Đến thời điểm này nước lũ còn gây ngập tại địa bàn 2 huyện Hương Khê (5 xã) và Vũ Quang (2 xã). Riêng tại huyện Hương Khê địa phương có số xã ngập nhiều nhất, đặc biệt tại các xã rốn lũ như Phương Mỹ, Phương Điền và Hà Linh nước còn ngập sâu.

Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Lộc Yên huyện Hương Khê cho biết gia đình có gần 1ha đất màu đến thời điểm này đã quá lịch thời vụ xuống giống ngô đông. Nhưng nay cả cánh đồng còn mênh mông nước, khả năng xuống giống rất khó.

Hữu Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/mien-trung-lu-len-nhanh-dan-khong-kip-tro-tay-720453.html