Miền Trung: Đổi đời nhờ nuôi dê vùng 'rốn lũ'

Sơn Thịnh là "rốn lũ", người dân trong làng phải mưu sinh bằng mọi nghề. Nhiều người chọn nuôi dê bởi đầu ra dễ dàng, mỗi đôi dê bán cho lãi ít cũng 6 triệu đồng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh Lê Văn Cường, đến năm 2016, cả xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã có nhiều hộ gia đình khấm khá lên nhờ nuôi dê. Hiện cả xã phát triển được hàng chục đàn dê với tổng số 225 con, tăng gấp 5 lần so với năm 2013.

Đến gia đình anh Trần Đắc, xóm An Thịnh (xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn), là một trong những gia đình nhờ nuôi dê mà kinh tế gia đình “phất” lên trông thấy.

Theo lời anh Đắc kể thì lúc đầu, chuyện nuôi dê của gia đình anh cũng rất tình cờ, đó là trong một lần chở nứa đến cho chủ quán thịt dê để nướng, sau khi biết được gia cảnh của gia đình anh, ông chủ quán này khuyên anh Đắc về nuôi dê để nhập cho các quan tiêu thụ. “Chú mày cứ về làm chuồng nuôi thử đi, tiền tao cho vay”, lời hứa của ông chủ quán đã khiến anh Đắc lóe lên niềm hy vọng. Ý định nuôi dê của anh cũng bắt đầu từ đó.

Nghĩ là làm, lại được ông chủ quán tốt bụng cho vay vốn không lấy lãi suất nên gia đình anh Đắc tìm đến xã Sơn Tiến, cận kề với xã anh để mua một con dê cái về nuôi thử.

Thời gian đầu mới đưa dê về nuôi gia đình anh Đắc gặp nhiều khó khăn, đã có lúc anh tính bỏ cuộc. Năm đầu tiên đưa dê về nuôi thì gặp trận lũ lớn, người và dê đều phải sơ tán lên núi. Việc chăm sóc dê cũng phải rất cẩn thận, tỷ mỷ và mất nhiều công sức.

May sao, trời không phụ công gia đình anh, sau trận lũ đó, dê của gia đình anh Đắc cũng cho ra đời thêm hai con dê con. Và cứ thế, theo thời gian, đàn dê của gia đình anh sinh sôi nảy nở.

Mười tám năm bắt đầu nghề nuôi dê. Anh Đắc không nhớ nổi mình đã nhập cho các lò mổ, các quán dê thui, dê nướng bao nhiêu lứa.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi dê, vợ Đắc tiết lộ: “Con vật gì nuôi nếu không biết cách chăm đều dễ thất bại, riêng nuôi dê dễ thất bại hơn. Nhà em đã có lần chết 4 con một lúc vì bị bệnh bại liệt đấy”.

Theo vợ anh Đắc thì rủi ro đến trong việc nuôi dê là không tránh khỏi, gia đình anh nhờ có kinh nghiệm chăm sóc nên rủi ro ít. “Mỗi năm nhà tôi thu lãi ba bốn chục triệu đồng từ nuôi dê. Xây nhà sắm ti vi, xe máy và con cái học đều nhờ vào dê cả”, vợ anh Đắc kể.

Ở cùng thôn với anh Đắc, cũng có gia đình chị Hà Thị Quy (năm nay 45 tuổi),chị được cả thôn gọi là “người nuôi dê mát tay nhất thôn”.

Chia sẻ về bí quyết nuôi dê thành công, chị Quy thủng thẳng nói: "Người ta bảo muốn phát triển nghề phải đi đây đi đó học hỏi kinh nghiệm. Tui không có điều kiện đi đâu học nên chỉ "học mót" cách nuôi của người trong làng thôi".

Bà Quy cho hay, việc nuôi dê cũng dễ nếu có chút kinh nghiệm hiểu biết về dê vì nó là con vật dễ tính, cái gì cũng có thể ăn được. “Vườn nhà tôi thường xuyên trồng đủ các loại cây: Từ cây mít, núc nác, đến cây giới… để lấy lá cho dê ăn. Ngoài ra tôi còn trồng thêm ngô, khoai lang, chuối. Có một điều quan trọng nữa là thức ăn cho dê bao giờ cũng phải sạch. Nếu thức ăn không sạch, dê ăn dễ bị đi ngoài lắm. Nếu dê bị đi ngoài thì không có cách chi chữa được", chị Quy chia sẻ thêm.

Chuồng dê của nhà chị Quy có hơn 20 con dê, nhưng chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ vì chị Quy là người phụ nữ cẩn thận và ngăn nắp có tiếng.

Không chỉ sạch sẽ, ngăn nắp, việc nuôi dê của chị Quy cũng có kế hoạch tính toán rõ ràng.

Chị Quy cho hay, nuôi dê sẽ không phải lo "đầu ra" như hươu hay các con vật khác. Bởi chỉ cần thấy dê cái sắp sinh là đã có khách hàng đến "đặt hàng" rồi. Bán một đôi dê, ít nhất cũng lãi 6 triệu đồng.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh của miền Trung chịu nhiều thiên tai nhất, lũ lụt, hạn hán triền miên. Xác định nghề nuôi dê là lâu dài nên nhiều gia đình như anh Đắc, chị Quy đã đầu tư xây nhà tránh lũ cho dê cách đây hai năm. Nhà tránh lũ dê rộng khoảng 70 m2 nền láng xi măng, có ô thông gió thoáng mát, với những mạng lưới thép mắt cáo làm hàng rào chắn đan dày, dê đã vào cứ thế tuân theo sự quản lý của chủ. Khi nước ngập dưới sân nhà, nhiều gia đình nuôi dê vẫn yên tâm vì dê không ảnh hưởng. Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn chuẩn bị thức ăn dự trữ cho dê phòng mưa lũ.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh Lê Văn Cường vui mừng thông báo: "Hiện nay nhiều gia đình nuôi dê và coi đây là mũi nhọn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay,dê trở thành món ăn đặc sản, không chỉ ở Hương Sơn mà cả khu vực miền Trung. Do vậy rất nhiều khách thập phương đổ về đây mua", ông Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Cường, do ngân sách xã nghèo quá, chúng tôi chưa hỗ trợ giúp bà con vốn liếng. Vì vậy, hầu hết bà con tự giúp nhau, người nọ giúp đỡ người kia là chính.

Rồi ông Cường chia sẻ thêm “Thực tế, Sơn Thịnh là "rốn lũ", bà con lại chỉ có nghề thủ công truyền thống là chính. Thế nên, dù có đôi tay vàng, nhưng nghề truyền thống vẫn không mở rộng được. Để kinh tế gia đình khấm khá hơn, người dân trong làng phải mưu sinh bằng mọi nghề. Nuôi dê chỉ là nghề mới rộ lên trong làng trong mấy năm gần đây thôi, nhưng chúng tôi tin đây là nghề giúp dân thoát nghèo được".

Phan Thế Cải

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/mien-trung-doi-doi-nho-nuoi-de-vung-ron-lu-post213565.info