Miền Tây mong lũ: Bộ trưởng NN&PTNT có trình kế hoạch chống hạn?

GS. Vũ Trọng Hồng: Bộ trưởng NN&PTNT có thể trình lên Thủ tướng kế hoạch chống hạn lâu dài không? Nếu không thực sự xem trọng công tác này, sẽ không giải quyết được vấn đề

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình biến đổi khí hậu những năm vừa qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt , người dân miền Tây, những người phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước sông Mê Kông. Vào thời gian này hằng năm, đáng ra lũ đã về, mang theo nguồn phù sa màu mỡ phục vụ cho việc trồng trọt. Tuy nhiên, năm nay lũ chưa về mà thời điểm gieo sạ đã đến. Vì vậy, người nông dân vẫn phải chờ.

Người nông dân chờ lũ về...

“Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, khi lũ chưa về, chúng ta cũng chưa thể làm được gì. Bộ NN&PTNT cũng đã có những khuyến cáo chỉ nên gieo xạ khi lũ về” GS Hồng cho biết. Cũng theo ông Hồng, trước đây, chúng ta có Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên là vùng dự trữ nguồn nước lớn, nên cho dù lũ về chậm, vẫn có thể tìm mọi cách để gieo sạ được. Tuy nhiên, bây giờ vùng trữ nước không còn, việc sản xuất nông nghiệp phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi. Trong khi đó, việc trữ nước của các hệ thống này rất thấp, chỉ trông chờ vào nước lũ mùa mưa và xả đập thượng nguồn.

“Vấn đề cơ bản nhất của nông nghiệp khu vực ĐBSCL là chiến lược dự trữ nước còn nhiều bất cập, nếu như không muốn nói thẳng là chúng ta chưa có chiến lược trữ nước mà chỉ trông chờ vào công trình thủy lợi. Không còn sự chủ động, đẩy việc sản xuất của chúng ta vào sự rủi ro rất lớn”, GS. Hồng phân tích.

Cũng theo GS Hồng, hiện nay Nhà nước đã yêu cầu các bộ NN& PTNT, bộ TN&MT có những trình bày về Bộ luật Thủy lợi, làm quy hoạch khai thác nguồn nước. Tuy nhiên, việc này vẫn còn đang được thực thi khá chậm. Bên cạnh đó, cách làm việc của các cơ quan chức năng còn trong tình trạng đùn đẩy trách nhiệm: “Nếu người lãnh đạo không thực sự cho vấn đề này là quan trọng thì không giải quyết được. Bộ trưởng NN& PTNT có thể trình lên Thủ tướng một kế hoạch chống hạn lâu dài hay không? Hệ thống các cơ quan chức năng làm việc còn quá chậm chạp, vì vậy người thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân”, GS Hồng đặt câu hỏi.

GS Vũ Trọng Hồng: Không có lũ về, người dân không thể nào gieo sạ

Cũng theo ông Hồng, vấn đề trước mắt của chúng ta hiện nay là cần có những kế hoạch chống hạn ngắn hạn, nhưng những kế hoạch này chỉ mang tính thời vụ. Còn về lâu dài, cần phải dựa vào các nhà khoa học mới có thể xử lý được những vấn đề như tích nước, trữ nước,…

"Tuy nhiên, nhà khoa học lại không được mời đến hoặc tiếp cận những vấn đề lớn này. Đây cũng là một bất cập lớn. Dựa vào nhà khoa học và trao quyền cho nhà khoa học thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu nhà khoa học làm được, nên ghi nhận, còn sai thì nhà khoa học phải chịu trách nhiệm”, GS Hồng khẳng định.

GS. Hồng cũng dẫn chứng về bài học của nhiều quốc gia đã từng lâm vào giai đoạn rất khó khăn như Hàn Quốc sau chiến tranh, người lãnh đạo của họ cũng đã có những quyết định rất táo bạo và quyết liệt, ban đầu “lạ” với người dân nhưng sau đó chính những cái “lạ” đó đã vực dậy được ngành sản xuất nước này.

"Chúng ta có hơn 10 triệu hộ nông dân với những mảnh ruộng chỉ khoảng 0,3ha thì rất khó cho sản xuất lớn. Làm sao để đưa máy móc hiện đại vào đồng ruộng được khi chưa cày đã hết thửa? Theo tôi, cái lớn nhất mà ngành nông nghiệp phải dựa vào vẫn là chính những người nông dân. Dân có thuận theo, có phát huy được sức mạnh của người nông dân nói riêng và người dân nói chung thì những vấn đề khó nhất cũng sẽ được giải quyết”, GS. Hồng khẳng định.

Đỗ Huệ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/mien-tay-mong-lu-bo-truong-nnptnt-co-dam-trinh-ke-hoach-chong-han-a255661.html