Miền huyền thoại bên dòng Sê-rê-pốk

TP - Vùng đất huyền thoại Buôn Đôn được xem là nơi sinh ra những dũng sĩ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng nhất Việt Nam. Lúc sống các chiến binh này dũng mãnh, lẫm liệt và oai phong. Và khi trở thành người thiên cổ, nơi yên giấc nghìn thu của họ cũng ẩn chứa nhiều điều khác lạ.

Cận cảnh ngôi mộ với kiến trúc kỳ lạ của các gru.

Buôn Đôn, xã Krông Ana là vùng đất huyền thoại - nơi khởi phát nghề săn bắn và thuần dưỡng voi rừng Tây Nguyên với những tên tuổi tù trưởng uy danh một thời như Y Thu Knul, Y Prông Êban, Amakông…

Về vùng đất thiêng

Buôn Đôn huyền hoặc đậm dấu ấn rừng hoang nhiều năm qua vẫn là thế giới bí ẩn với nhiều người. Lữ khách thích mạo hiểm từ khắp mọi vùng miền khi tìm đến vùng rừng núi này đã ngất ngây với những trải nghiệm nhớ đời. Nhất là khi họ được gặp gỡ và trò chuyện về một thuở hồng hoang với những dũng sĩ săn voi rừng cuối cùng trên đất Tây Nguyên, được cưỡi voi dạo vườn quốc gia Yok Đôn hay băng qua dòng Sê-rê-pốk cuồn cuộn.

Những chiến binh săn voi được gọi là gru. Trong những chuyến băng rừng, chúng tôi may mắn gặp được những gru huyền thoại ở nơi từng là chốn bất khả xâm phạm. Trước khi người Pháp đặt chân đến Đắk Lắk, chọn Buôn Đôn làm thủ phủ đầu tiên của Tây Nguyên (năm 1899), nơi đây còn là vùng đất hoang sơ bị dòng sông chảy ngược Sê-rê-pốk ngăn cách thành sáu đảo nhỏ. Thuở ban đầu, vùng đất này hoang vắng, chỉ có sáu nóc nhà với gần 30 người sinh sống bằng nghề săn bắt cá trên dòng sông chẻ giữa rừng già. Sau này người Lào, người Thái ngược dòng đến quần tụ. Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được khai sinh từ đó.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên có hàng chục dân tộc bản địa, nhiều sắc tộc thiện chiến, hùng mạnh như Xê-đăng, Stiêng, Jrai, Bana… nhưng chỉ mỗi người M’nông mới rành nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Chiến tích Amakông

Lữ khách thường kháo nhau, lên Tây Nguyên mà không đến nhà dũng sĩ Amakông (thọ 105 tuổi) thì xem như chưa đến xứ sở sương mù. Danh tiếng của ông lẫy lừng đến độ vua Bảo Đại phải cho người đến nhà mời ông tháp tùng trong những chuyến đi săn hổ ở rừng Mê Vạn, săn voi ở khắp đại ngàn… Hiện ngôi nhà sàn cổ của ông được người con gái Me Lĩnh cai quản. Ngôi nhà này lưu giữ nhiều dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng và di ảnh về những lần xuyên đại ngàn săn mãnh tượng của chiến binh Amakông ngày nào cùng các bài thuốc bí truyền ông để lại cho hậu thế. Lúc sinh thời, người ta đến nhà Amakông chầu chực, nán đợi cho bằng được để nghe ông bật mí những tính năng thần kỳ của bài thuốc tráng dương bổ thận mà nhờ nó khi ở tuổi ngoài 80, Amakông cưới được người vợ xinh đẹp, trẻ hơn ông đến 50 tuổi.

Thuở ban đầu, vùng đất này hoang vắng, chỉ có sáu nóc nhà với gần 30 người sinh sống bằng nghề săn bắt cá trên dòng sông chẻ giữa rừng già. Sau này người Lào, người Thái ngược dòng đến quần tụ. Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được khai sinh từ đó.

Nói về chiến tích của cha, Me Lĩnh say sưa: “Cha tôi là con trai của một tù trưởng giàu có, thế lực, lúc nhỏ ông được đi học trường Tây. Học được 7 năm, do ông không thích làm quan nên bỏ về buôn cùng các dũng sĩ săn voi khác đi săn, thuần dưỡng voi ở khắp núi rừng Tây Nguyên. Chính vì vậy mà ông thông thạo nhiều thứ tiếng gồm M’nông, Pháp, Lào, Campuchia, tiếng Gia Rai, tiếng Êđê và tiếng Kinh. Số voi ông bắt và thuần dưỡng là 301 con (chết 3 con)”.

“Ông cũng đã từng uống rượu và đi săn với vua Bảo Đại, Hoàng thân Xi-ha-núc của Campuchia...”, Me Lĩnh nói. Đang kể say sưa, bỗng dưng nét mặt Me Lĩnh thoảng chút sợ sệt và pha lẫn sự lo lắng khi chúng tôi hỏi về nơi an táng của các dũng sĩ săn voi ở buôn Trí thuộc xã Krông Ana. Me Lĩnh nói nơi đó được người M’nông gọi là vùng đất thiêng, cấm người lạ lui tới. Sau hồi “nài nỉ”, cuối cùng Me Lĩnh tiết lộ: Cứ bám theo sông Sê-rê-pốk mà đi. Đi mãi đến khi nào thấy trong rừng vươn lên vun vút những chóp nhọn thì đó là nơi yên giấc của các chiến binh săn voi hùng dũng một thời.

Biểu tượng chim công - ngà voi của người M’nông.

Vào cõi u minh

Theo hướng dẫn, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được khu cấm địa nơi an táng những huyền thoại săn voi nằm dưới chân núi Yang. Ở rừng ma buôn Trí, ngoài tượng chim công đứng trên cặp ngà voi, còn có những mộc nhân ngồi chống cằm, khuôn mặt, ánh mắt buồn rười rượi, phần lớn đều trong tình cảnh mục rã vì sự bào mòn của thời gian và nắng mưa. Một già làng nói, những tượng người mặt buồn ấy được gia đình, thân nhân người quá cố nhờ các nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ tạo tác nhằm thể hiện nỗi buồn đau khi từ đây phải đoạn lìa người thân. Tượng còn làm bầu bạn với người chết trong thế giới ma, để người chết được vui vì có người chung sống.

Về ý nghĩa của biểu tượng chim công-ngà voi, người M’nông cho rằng, loài voi là biểu tượng truyền thống của Buôn Đôn. Hình ảnh loài thú có vòi, có nanh dài, to lớn, thông minh và trung thành nhất trong muông thú gắn với người M’nông từ lúc họ chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vì lẽ đó, chiếc ngà được xem là biểu trưng cho mối quan hệ thâm tình người-voi ấy. Chim công được xem là loài lông vũ đài các nhất nên thường được dùng làm cầu nối thế giới trần tục với thần linh, là loài chim dẫn dắt linh hồn người chết về với thế giới mới của họ.

Ngôi mộ lớn nhất là của Khun Ju Nốp. Ông tên thật là Y Thu Knul, với chiến tích bắt và thuần dưỡng 500 con voi rừng nên được vua Xiêm La tặng biệt danh Khun Ju Nốp, nghĩa là “vua săn voi”. Cạnh mộ vua săn voi Khun Ju Nốp là nơi an nghỉ bà vợ đầu của ông. Do bị thời gian bào mòn và không được trùng tu thường xuyên nên các dòng thông tin về tên tuổi, năm sinh năm mất của người từng nâng khăn sửa túi cho “vua săn voi” trên tấm bia không còn đọc rõ được nữa. Người ta kể hai ngôi mộ này được thiết kế, xây dựng rất đặc biệt, có đường hầm bí mật dẫn vào bên trong. Để tránh người lạ xâm nhập, người M’nông cho xây dựng các bức tường thành cao để bảo vệ. Trong khu vực có gần 20 lăng mộ hình tháp chóp nhọn.

Già làng Y Buk, ngoài 70 tuổi nói, ông đã quá già và biết mình như ngọn đèn sắp hết dầu đợi ngày tắt để về với Yang (thần linh), nên ông thường ghé thung lũng gru chọn đất cho cuộc sống của mình ở một thế giới khác.

Với sự nhiệt tình của già Y Buk, chúng tôi tranh thủ hỏi ông về những điều chưa biết về ông tổ của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Y Thu Knul, “rằng cớ vì sao ông được vua Xiêm La tặng cho biệt danh Khun Ju Nốp”. “Ô, vì ông ấy săn được voi trắng. Săn được rồi, thuần dưỡng xong ông tặng vua Xiêm nên được vua Xiêm phong là vua săn voi”, Y Buk nhớ lại.

Cũng theo già Y Buk, người M’nông nói riêng, các dân tộc ở Lào hay Xiêm La (Thái Lan) đều xem bạch tượng (voi trắng) là hiện thân của vua chúa, linh thần, là vua của loài voi và là biểu tượng của sự quyền uy. Thế nên việc Y Thu Knul tặng “vua” của muôn loài cho vua đã được vua Xiêm La rất cảm kích. Và vì ông tổ Khun Ju Nốp từng tháp tùng vua Bảo Đại đi săn thú nên khi ông mất, vua Bảo Đại đích thân thiết kế mộ và coi sóc việc xây dựng. Theo luật tục địa phương, ai làm kinh động giấc ngủ ngàn thu của những con người huyền thoại này sẽ bị phạt trâu, phạt rượu, phạt chiêng ché, bắt đãi ăn cả làng, thậm chí trục xuất ra khỏi cộng đồng.

Nhờ luật tục nghiêm khắc như vậy nên trong một thời gian dài, cấm địa được bình yên đến tuyệt đối. Nhưng rồi thời gian trôi qua, luật tục mai một, lòng tham con người gia tăng nên nhiều năm trước, kẻ gian đã đợi đêm đến xâm nhập, bới đào cổ mộ lấy đi nhiều đồ tùy táng chôn theo vợ chồng ông tổ nghề săn voi.

Trời về chiều, mây xám phủ kín đỉnh núi Yang. Chúng tôi vội vã rời “đế chế gru” bởi khi mưa xuống, nước lên, bóng tối bao trùm là thời khắc của thú dữ, rắn độc... Dù rất muốn khám phá nhưng phải đành quay về Buôn Ma Thuột mà lòng vẫn hẹn một ngày trở lại.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/mien-huyen-thoai-ben-dong-serepok-1030968.tpo