Metro Tân Sơn Nhất ngầm trong lòng đất

Dự án nhằm kết nối Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với các tuyến metro và giao thông TP HCM, sân bay quốc tế Long Thành trong những năm tới

Ngày 22-11, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết các đơn vị tư vấn Hàn Quốc vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro 4b-1 dài 2 km đi ngầm trong lòng đất từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vốn đầu tư 276 triệu USD

Theo Ban Quản lý, dự án sẽ có 2 nhà ga ngầm. Trong đó, riêng ga ngầm ở cửa Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ có 3 tầng ngầm, nhu cầu vận chuyển giờ cao điểm (mục tiêu đến năm 2043) là 3.366 người/ngày. Ga Công viên Hoàng Văn Thụ cũng có 3 tầng ngầm, trung chuyển với tuyến metro số 5 tại tầng B2, nhu cầu vận chuyển giờ cao điểm (mục tiêu đến năm 2043) là 3.429 người/ngày. Sau khi hành khách xuống tại ga metro ở cửa cảng hàng không sẽ được kết nối bằng tuyến đường hầm đi bộ đến cửa nhà ga nội địa… Tổng mức đầu tư dự án khoảng 276 triệu USD (khoảng 6.154.800 tỉ đồng), trong đó vốn vay chính phủ Hàn Quốc khoảng 90%, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Chi phí thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 725 tỉ đồng.

Dự án metro sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kết nối với các tuyết metro khác và giao thông TP HCM. (Ảnh do Ban Quản lý cung cấp)

Dự kiến trong quý I/2017, Ban Quản lý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến metro này. Sau khi có chủ trương, các đơn vị sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng phê duyệt dự án vào quý I/2018. Đến quý I/2019, dự án sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2024. Theo đơn vị tư vấn, tuyến nhánh metro 4b-1 được kết nối với các tuyến metro số 5, số 2 (Bến Thành (quận 1) - Tham Lương (quận 12) và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (quận 9).

Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến metro ngầm này sẽ tạo điều kiện kết nối với hệ thống giao thông TP, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là từ các quận nội thành đến sân bay Tân Sơn Nhất và các khu vực lân cận.

Ban Quản lý cho biết đề án trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có nhánh 4b-1. Nhưng những năm gần đây, do lượng người đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng tăng dẫn đến các tuyến đường lân cận bị quá tải. Từ đó, UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký đề xuất hỗ trợ kỹ thuật từ chính phủ Hàn Quốc cho tuyến nhánh metro vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tránh lãng phí nguồn vốn

Theo Ban Quản lý, trong năm 2016, bình quân mỗi ngày có 269.000 hành khách lên máy bay và người đến sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, số lượng hành khách tại nhà ga quốc tế hơn 144.000 người, nhà ga nội địa là 125.000 người. “Nhu cầu người dân đến sân bay ngày càng tăng nên về lâu dài, cơ sở hạ tầng tại đây sẽ không đáp ứng đủ. Do đó, việc bổ sung tuyến metro ngầm nói trên là vô cùng cần thiết” - ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý, nhấn mạnh. Trong khi đó, theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc phát triển tuyến metro này là cần thiết. Tuy nhiên, phải có đánh giá cụ thể, tránh lãng phí nguồn vốn bởi ngoài các tuyến đường vừa được mở rộng và kết nối, TP sẽ đầu tư các tuyến đường trên cao tại khu vực này. Ngoài ra, cần có kết nối các hệ thống giao thông khác ở khu vực ra vào sân bay mới đáp ứng kịp, nếu không sẽ tạo thành nút thắt cổ chai tại một số tuyến đường.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết hiện nút giao thông tại khu vực cửa ngõ sân bay đang bị “tắc”. Vì vậy, việc đầu tư tuyến metro ngầm ở đây tận dụng được không gian ngầm. Khi đưa vào khai thác sẽ góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của người dân, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Theo tính toán của Ban Quản lý, nếu sau này sân bay Tân Sơn Nhất dời về sân bay quốc tế Long Thành thì tuyến metro này vẫn phát huy tác dụng rất lớn vì nhu cầu thực tế của người dân còn nhiều. GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - công nghệ và Quản lý môi trường Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, nhận định chủ trương mở rộng các loại hình giao thông để giải quyết bài toán kẹt xe là rất tốt. Tuy nhiên, với chiều dài chỉ 2 km thì rất khó có thể phát huy tác dụng, đó là chưa nói đến việc sau khi xây dựng sẽ sử dụng tàu điện hay ô tô và sự tác động đến tầng địa chất, giao thông nội bộ… “Hiện nay, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang bị ngập khá nghiêm trọng nên Ban Quản lý cần xem xét kỹ nhằm tránh bị ảnh hưởng đến tuyến metro này. Kỹ thuật xây dựng như chống thấm, nén bê tông… phải được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ rất lãng phí và mất thời gian duy tru, bảo dưỡng” - ông Bá nêu.

Kêu gọi đầu tư tuyến metro số 5

Ban Quản lý cho biết đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2 của dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến Bến xe Cần Giuộc mới) và depot Đa Phước, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 2,183 tỉ USD. Tổng chiều dài của dự án khoảng 14,5 km (8,9 km ngầm và 5,6 km trên cao) gồm 13 ga (8 ga ngầm và 5 ga trên cao), một depot (đặt tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) với diện tích 31,68 ha. Ban Quản lý đang tiếp nhận và triển khai khoản hỗ trợ kỹ thuật do chính phủ Hàn Quốc tài trợ nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tuyến metro số 5 giai đoạn 2. Dự kiến, hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2017.

THÀNH ĐỒNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/metro-tan-son-nhat-ngam-trong-long-dat-20161122220755669.htm