Méo mặt” với giá thuốc!

So với thuốc ngoại, thuốc nội vẫn tăng giá khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, theo đại diện một công ty dược phẩm trong nước, đợt tăng giá mới, hầu hết các loại thuốc bán buôn của DN này đều không tăng giá, chỉ các đại lý bán lẻ tự nâng giá lên...

-

Tại các đại lý, các cửa hàng thuốc tây trên địa bàn Hà Nội, gần như mọi sản phẩm thuốc đều đồng loạt tăng giá. Đây là lần tăng giá dược phẩm thứ 2 trong năm 2011, tập trung ở nhóm thuốc giảm đau, tim mạch, tiểu đường. Hơn 60 loại thuốc bị nâng giá với biên độ 3 - 10%, đợt tăng giá này có quy mô nhỏ hơn lần tăng giá đầu tiên trong năm. Thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, khoảng 240 loại thuốc đã tăng giá từ 3 - 30%.

Người dân "chóng mặt" với giá thuốc

Khảo sát tại một của hàng thuốc trên phố Đội Cấn (Hà Nội) thì thấy, một số loại thuốc tăng giá mạnh, có loại tăng hơn 20.000 đồng so với giá trước đó. Cụ thể, Mobic (giảm đau viêm khớp) từ 170.000 đồng/hộp lên 190.000 đồng/hộp, Vastarel MR (thuốc tim mạch) từ 144.000 đồng/hộp lên 162.000 đồng/hộp, Pharmaton (thuốc bổ) từ 232.000 đồng/hộp lên 252.000 đồng/hộp, Entergomina (men tiêu hóa) từ 103.000 đồng/hộp lên 110.000 đồng/hộp, Tobradex (mỡ sát trùng mắt) từ 41.500 đồng/lọ lên 45.000 đồng/lọ, Diamicron MR (tiểu đường) từ 156.000 đồng/hộp lên 166.000 đồng/hộp, Glucophage 500 mg (tiểu đường) từ 85.000 đồng/hộp lên 90.000 đồng/hộp.
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người phải “cắn răng” vét túi tiền mua thuốc. Nhưng cũng có người không có cách nào để xoay sở thì đành chấp nhận “sống chung” với bệnh. Nếu cứ đà tăng giá như thế này - không chỉ người nghèo mà cả những người thu nhập trung bình cũng “méo mặt” với giá thuốc.

Dược phẩm nội lo lắng
Thực tế, tăng giá mạnh nhất vẫn là các loại thuốc xuất xứ từ nước ngoài. Có loại tăng từ 15 - 20%. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh vẫn là do người bệnh chưa mấy tin tưởng vào chất lượng thuốc nội.
Trừ ra các loại thuốc độc quyền chuyên trị các bệnh tim, mắt, ung bướu mà các công ty trong nước chưa sản xuất; thuốc thông thường trị cúm, kháng sinh kháng viêm, sản xuất trong nước có giá rẻ hơn thuốc ngoại nhiều lần. Giá của hầu hết thuốc nội cũng chỉ bằng một nửa, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá thuốc tương đương được nhập khẩu. Chẳng hạn, một viên thuốc cảm trong nước bán ra chưa đến 300 đồng, trong khi một viên thuốc ngoại cùng loại có giá từ 500 - 700 đồng, nhiều loại lên đến vài nghìn đồng… Thuốc kháng sinh trong nước cũng rẻ hơn rất nhiều so với thuốc ngoại. Kể cả thuốc đặc trị tim mạch của nước ngoài có giá cao gấp 13 lần so với thuốc được sản xuất trong nước, mặc dù nguyên liệu sản xuất thuốc được nhập khẩu hoàn toàn.
Về chất lượng thì thuốc nội không thua kém là mấy so với thuốc ngoại, bởi tất cả nguyên liệu để sản xuất thuốc nội hiện nay đều được nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Và giá nhiều loại thuốc nội rẻ hơn các loại thuốc ngoại cùng loại, nhưng người tiêu dùng vẫn bỏ qua. Chính điều này đã khiến DN sản xuất trong nước gặp khó. Đó là chưa kể đến việc, giá thuốc sản xuất trong nước bị kiểm soát chặt hơn. Việc tăng giá thuốc của các công ty dược phẩm đều phải có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Trong khi đó, nhiều loại thuốc ngoại nhập lại ngang nhiên tăng giá mà không vấp phải trở ngại nào.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Doanh nhân về việc các loại dược phẩm tăng giá đợt 2 trong năm, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TRAPHACO cho rằng, trong đợt tăng giá lần này, Công ty gần như không tăng giá các mặt hàng. Thời gian trước, có một số loại tăng nhưng với hệ số tăng rất thấp. Mặc dù giá nguyên - nhiên liệu và các chi phí khác để cấu thành giá đều tăng, nhưng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước thì DN chỉ điều chỉnh giá khi giá nguyên - nhiên liệu đầu vào tăng, còn các chi phí khác không được tính và mức tăng giá tối đa 15% so với giá trước đó. Nhưng việc tăng - không phải nói là làm được. Bởi lẽ, những đơn hàng đấu thầu với bệnh viện ký từ đầu năm nên việc điều chỉnh giá đối với những đơn hàng này gần như không có. Trong khi đó, Công ty hơn 10 năm nay luôn thống nhất giá bán buôn trong cả nước, còn giá bán lẻ tại các đại lý, cửa hàng tăng lên bao nhiêu thì Công ty không thể kiểm soát nổi.

Theo TB DN

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/147n20110928172106872t128/meo-mat-voi-gia-thuoc!.htm