Mê mẩn cảnh sắc thu ở 'thiên đường nơi hạ giới' Cửu Trại Câu

Ở "thiên đường nơi hạ giới" Cửu Trại Câu tuyệt đẹp này, mọi thứ đều quá sặc sỡ và rực rỡ, đến cả những hộp mì tôm hay những đôi giày của du khách cũng nổi bần bật. Và trong nhộn nhạo những sắc những màu ấy, màu trắng tinh khôi là màu ít xuất hiện nhất.

Cửu Trại Câu đẹp cả bốn mùa trong năm. Mùa xuân, những cánh hoa đào thắm tô điểm cho cánh rừng nguyên sinh, là là bay phất phơ trên làn nước biếc. Mùa hạ, bầu trời trong xanh phản chiếu xuống tấm gương soi phẳng lặng. Mùa thu, những thảm lá đỏ, lá vàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và mùa đông, màu trắng của tuyết và những bông hoa lất phất bay trong chiều đông u tịch, những cành lau nghiêng mình trong cơn gió lạnh.

Người ta thường ghé thăm Cửu Trại Câu vào những ngày cuối thu, khi thảm lá vàng, lá đỏ đã rực rỡ màu sắc trên khắp mảnh đất Tứ Xuyên và lòng hồ xanh trong vắt phản chiếu bầu trời thu xanh trong vời vợi.

Cửu Trại được gọi là vùng đất “biển hồ” với 108 hồ ao lớn nhỏ, mặt hồ trong xanh, phẳng lặng như mặt gương soi trong một khe núi dài hơn 5km.

Thác nước Thụ Chính là thác hùng vĩ nhất trong khoảng 17 thác nước có mặt tại Cửu Trại Câu.

Nước ở Cửu Trại trong vắt, xanh thăm thẳm, nhìn tới tận đáy hồ cách 30m, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời khiến khung cảnh hai bên hồ càng thêm lung linh, huyền ảo.

Người đến với Cửu Trại vì mê đắm cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ và quyến rũ, kẻ đến Cửu Trại vì những cánh rừng trúc bạt ngàn cong mình trong gió và không ít người ghé thăm cho bằng được hồ nước đẹp đã từng được ghi hình trong “Anh hùng” và “Tân Thần điêu đại hiệp.”

Khu Cửu Trại Câu gồm ba thung lũng chính: Nhật Tắc Câu (Rize Gully) và Tắc Tra Câu (Zechawa Gully) chạy từ phía nam, hợp lưu tại điểm trung tâm Thụ Chính Câu (Shuzheng Gully). Ngay tại cổng ra vào của Cửu Trại đã sẵn sàng xe cộ đón và trả khách.

Cảnh sắc hai bên hồ khiến kẻ có tâm hồn khô khan nhất cũng dịu lòng.

Tại Cửu Trại Câu, hệ thống những con đường gỗ luôn được đặt song song hoặc bao quanh các hồ nước. Bạn có thể đi theo con đường ở phía sát đường đi của xe buýt hoặc những lối đi ở phía xa, khuất trong những rừng cây đang mùa đổi lá.

Ven hồ, cây ngân hạnh đã khoác tấm áo vàng rực rỡ và nhành phong đỏ xen lẫn trong sắc trời xanh bất tận.

Cảnh sắc thiên nhiên khiến người đi qua phải dừng bước, thu vào tầm mắt mình những mảng màu tuyệt đẹp.

Xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, thi thoảng lại bắt gặp tiếng ầm ào của những thác nước đẹp mê hồn, tung bọt trắng, len lỏi những dòng suối trong vắt với những đàn cá đủ màu khoe mình trong làn nước.

Hồ Gấu Trúc sáng đẹp tựa gương, trong veo như mắt gấu con, xanh non như màu lá trúc.

Đến cả những hộp mỳ tôm cũng sặc sỡ theo.

Cái tên Cửu Trại Câu có nghĩa là “chín khu làng của người Tạng”. Tên gọi ấy bắt nguồn từ việc khu thắng cảnh này thuộc địa phận của châu tự trị dân tộc Tạng A Bá ở phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Người Trung Quốc có câu: “Hoàng Sơn quy lai bất khán sơn, Cửu Trại quy lai bất khán thủy”, ý nói rằng ai đã tới núi Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy thì sẽ không còn phải đi thăm thêm bất cứ một ngọn núi nào nữa và những ai một lần đặt chân tới Cửu Trại Câu thì cũng không cần phải đi ngắm thêm một hồ nước nào khác.

Năm 1990, Cửu Trại Câu được Cơ quan Du lịch quốc gia Trung Quốc đánh giá là địa chỉ đứng đầu trong 40 khu du lịch tốt nhất Trung Quốc. Năm 1992, Cửu Trại Câu được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Và đến năm 1997, khu phong cảnh Cửu Trại Câu được đưa vào danh sách hạng 5 các khu bảo tồn đa dạng sinh học thế giới trong phân hạng IUCN.

Lam Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/du-lich-kham-pha/me-man-canh-sac-thu-o-thien-duong-noi-ha-gioi-cuu-trai-cau-607724.bld