Đề thi Giáo dục công dân THPT quốc gia: Thí sinh khóc dở mếu dở

Bước ra khỏi phòng thi môn Giáo dục công dân (GDCD) THPT quốc gia, nhiều thí sinh dở khóc dở mếu vì những khái niệm rối rắm.

Thí sinh THPT quốc gia sau khi thi xong môn GDCD sáng 27.6. Ảnh: Hà Phương

Thí sinh Hồng Anh (Nghệ An) nói: Em thấy các khái niệm trong câu 81, mã đề 312 là rối rắm, dễ gây nhầm lẫn và không phù hợp thực tế.

Cụ thể, câu 81, mã đề 312: “Cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt người vi phạm pháp luật thực hiện pháp luật theo hình thức: A. Áp dụng. B. Tuân thủ. C. Sử dụng. D. Phổ biến”.

Theo Hồng Anh, trong thực tế, việc xử phạt hành chính như trên vừa là áp dụng, tuân thủ, sử dụng pháp luật và cả phổ biến pháp luật (tuyên truyền). Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một đáp án đúng.

Tra cứu SGK GDCD 12, bài “Thực hiện pháp luật” (trang 17-18) thì có 4 hình thức thực hiện pháp luật bao gồm: Sử dụng pháp luật; thi hành pháp luật; tuân thủ pháp luật; áp dụng pháp luật.

Chiếu theo nội dung SGK, thì đáp án của câu 81 nói trên là “Áp dụng pháp luật” (phương án A).

Cô Trần Thị Hà (Hà Tĩnh), giáo viên môn GDCD THPT thừa nhận: Có nhiều khái niệm rối rắm, ngay cả GV cũng rất dễ nhầm lẫn, vì không đúng thực tế.

Để chứng minh, cô Hà tra từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) các khái niệm và cho ra kết quả: “Sử dụng: lấy làm phương tiện để phục vụ nhu cầu, mục đích nào đó; Áp dụng: dùng trong thực tế điều đã nhận thức được; Thi hành: làm cho thành có hiệu lực điều đã được chính thức quyết định; Tuân thủ: giữ và làm đúng theo điều đã quy định”.

Theo cách hiểu thông thường, thì cả 4 khái niệm nêu trên đều có những điểm giao thoa, tương đồng. Vì vậy, phân biệt ra 4 hình thức thực hiện pháp luật là máy móc.

Câu 87, mã đề 312: “Công dân có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các mối quan hệ xã hội và công vụ nhà nước thì phải chịu trách nhiệm: A. Liên đới; B. Kỷ luật. C. Khiếu nại; D. Tố cáo”.

Một GV cho biết, đề thi có cách diễn đạt lủng củng, phi logic, trong thực tế không có khái niệm “chịu trách nhiệm kỷ luật” hay “chịu trách nhiệm tố cáo, khiếu nại”. Còn nếu nói người vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới là không đúng.

Lỗi diễn đạt và những cái bẫy phi lo gic tiếp tục lăp lại trong câu 82, mã đề 305: “Theo quy định của pháp luật, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm thì phải: A. chịu trách nhiệm hình sự; B. hủy bỏ đơn tố cáo; C. chịu trách nhiệm khiếu nại vượt cấp. D. hủy bỏ mọi thông tin”.

Chưa nói sự phi lí trong yêu cầu “phải hủy bỏ mọi thông tin”, “chịu khiếu nại vượt cấp”, khái niệm đề dẫn “bị coi là tội phạm” cũng không chuẩn. Chủ thể xác định tội phạm là cơ quan điều tra, cơ quan xét xử. Công dân chỉ bị coi là tội phạm khi có bản án có hiệu lực pháp luật.

Còn một “rừng” lỗi khác của đề thi THPT quốc gia môn GDCD, chúng tôi sẽ đề cập trong bài khác.

QUANG HIỂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/de-thi-giao-duc-cong-dan-thpt-quoc-gia-thi-sinh-khoc-do-meu-do-615357.ldo