Mẹ kế, con chồng tranh nhau ngôi nhà sập xệ

Anh Trần Xuân Dam (29 tuổi, thôn Ka Cú 2, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh: Sau khi cha anh qua đời (không để lại di chúc), mẹ kế và các con riêng của bà độc chiếm nhà đất. Trong khi anh Dam là con ruột nhưng không được vào ở.

Ngôi nhà vợ chồng anh Dam đang ở là di sản thừa kế, tòa giao cho người mẹ kế.

“Nhà của cha mình, sao mình không được ở?”

Anh Dam phản ánh, cha mẹ anh là ông Trần Xuân Phân và bà Hồ Thị Chin đến thôn Ka Cú 2 khai hoang, dựng nhà ở. Bà Chin mất khi ba anh em Dam còn rất nhỏ, lúc đó đứa lớn nhất chỉ mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi. Mấy năm sau, cha anh Dam lấy người vợ kế là bà Nguyễn Thị Hoàng. Bà Hoàng lúc này cũng có ba người con riêng.

Dự án 134 xóa nhà tạm về đến thôn bản, cha anh Dam được nhà nước cấp tiền làm nhà. Sau khi nhà làm xong, nhà nước cấp “thẻ đỏ” đối với diện tích đất ở và đất vườn.

“Cha tôi mất, bà Hoàng hoàn toàn độc chiếm ngôi nhà, vườn, ruộng, vườn đồi… Bà đi làm ăn tại thôn A Năm (cùng xã), căn nhà bỏ trống. Khi tôi lập gia đình, tôi vào ở nhà này thì bà không cho, kiên quyết đuổi vợ chồng tôi ra ngoài dựng lều để ở. Nếu vợ chồng tôi không ra ngoài, bà sẽ đập bỏ ngôi nhà. Cha tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, được nhà nước quan tâm làm nhà xóa nhà tạm. Nhưng tại sao chúng tôi là con của ông lại không được hưởng, mà bà Hoàng nắm quyền hết”, anh Dam bày tỏ.

Căn nhà anh Dam tranh chấp cùng người mẹ kế sập xệ, tăm tối. Mái tôn chi chít thủng khắp nơi. Ngồi trong nhà nhưng ngẩng đầu nhìn qua mái tôn, dễ dàng nhìn thấy từng mảng trời xanh xanh, trắng trắng bên ngoài. Tường vôi loang lổ ẩm mốc. Hai chiếc tủ có giá trị nhất trong nhà thì đã hư hỏng nặng, chẳng thể sử dụng được.

Tài sản giá trị nhất trong nhà là hai chiếc tủ đã hư hỏng nặng.

Anh Dam kể, sau khi anh lấy vợ, vì mẹ kế không cho vào nhà ở, nên anh đành dựng cái chòi bên suối, che mưa che nắng sống tạm qua ngày. Mùa mưa đến, nước trên núi đổ xuống, có khi nước ngập cả nửa cái chòi. Căn nhà của cha anh, mẹ kế khóa cửa để không 4 năm nay. Hai năm trước, trong một lần mưa lũ, cái chòi của vợ chồng anh bị lũ cuốn trôi mất.

Không chỗ dung thân, anh cùng vợ con mới dọn vào ở trong ngôi nhà này. Vùng cao đang vào mùa mưa lũ, nhưng ngôi nhà dột nát nên ngày mưa gió chẳng có chổ khô ráo để ngồi. Nhiều đêm đang ngủ, mưa đổ xuống ướt lướt thướt, cả gia đình anh chỉ biết ngồi co ro sát vào nhau chờ trời sáng.

Vợ chồng anh Dam có hai con nhỏ. Gia đình 4 người dựa hết vào công làm thuê của anh Dam. Ngày nắng còn đỡ, khi mùa mưa đến, chẳng ai thuê mướn, nhiều khi cả nhà 4 người đến khoai, sắn chẳng có để lót bụng. Chị Liễu (24 tuổi, vợ anh Dam) thường xuyên đau ốm, nhưng chẳng có tiền thăm khám bác sĩ. Sức khỏe yếu, nên chẳng ai thuê mướn chị đi làm. Ngày khỏe, chị mò mẫm lên núi nhặt củi. Cả ngày miệt mài cũng chỉ đủ sức gùi về nhà 2 gùi củi lưng lưng. Mỗi gùi củi, chị kiếm được 10 ngàn đồng.

Mới 24 tuổi, nhưng vợ anh Dam trông như quá tuổi 30 từ lâu. Người phụ nữ lem luốc trong bộ đồ nhàu nhỉ, chiếc quần chị mặc còn rách một mảng lớn ở đầu gối. Chị bảo, cả ba mẹ con chị lâu nay chưa từng được một lần mặc áo mới, bởi cơm còn chưa no cái bụng, nên chẳng có tiền để mua áo quần.

“Tụi mình toàn mặc áo quần cũ người khác cho. Vì mình không có, nên vẫn vui và thích như được đồ mới”, chị tâm sự. “Cha mẹ chồng mình chết hết. Mình cũng không còn cha mẹ nữa. Anh chị em thì nghèo cả. Nếu không được ở ngôi nhà này, vợ chồng mình cùng hai đứa con chẳng biết trú mưa trú nắng ở đâu”, vợ anh Dam giãi bày.

Tòa tuyên án

Liên quan đến vấn đề tranh chấp ngôi nhà trên, chính quyền địa phương cho biết UBND từng hòa giải tranh chấp, nhưng không thành. Bà Hoàng có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, do đó tòa án đã xét xử.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện A Lưới do anh Dam và bà Hoàng cung cấp, thể hiện: Vợ chồng ông Phân, bà Chin có ba người con chung. Năm 1995, bà Chin mất. Năm 1997, ông Phân chung sống với bà Hoàng. Bà Hoàng cũng có ba người con riêng. Mãi đến năm 2002, ông Phân, bà Hoàng mới đăng ký kết hôn tại xã Hồng Vân.

Bà Hoàng khai tại tòa, ngày trước ông Phân và bà Chin có căn nhà 1 gian 2 chái lợp tranh, xung quanh phên nứa, được dựng trên đất hiện nay. Vợ chồng ông Phân cùng ba đứa con ở tại đây chưa được 2 năm thì bà Chin qua đời, chẳng để lại tài sản gì. Nguồn gốc thửa đất này, chính quyền địa phương chưa giao cho hộ gia đình ông Phân, bà Chin, và các thành viên trong gia đình lúc đó, chẳng ai quan tâm đến việc khai hoang để sản xuất. Đến lúc bà Hoàng về ở, căn nhà trên hư hỏng, dột nát.

Quá trình chung sống, vợ chồng ông Phân, bà Hoàng khai hoang, thuê người phát cây cối, làm vườn, trồng cây… Năm 2004, vợ chồng bà được nhà nước cấp 1 nhà xây cấp 4, tọa lạc trên thửa đất ngày trước. Năm 2006, UBND huyện A Lưới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.624 m2, trong đó 500 m2 đất ở và 1.124 m2 đất nông nghiệp, do ông Phân, bà Hoàng kê khai đứng tên.

Năm 2012, anh Dam tranh chấp đòi chia đôi tài sản thừa kế. Mâu thuẫn căng thẳng nên bà Hoàng đành chuyển đi nơi khác ở. Chính quyền hòa giải không thành nên bà Hoàng đâm đơn kiện chia thừa kế.

Bà Hoàng kể, hồi nhà nước cấp tiền xây nhà, bà và ông Phân dự định ngôi nhà này sẽ để dành cho Dam. Còn bà đã mua một thửa đất khác, để dành cho con trai mình. Lúc đó Dam đang sống lang thang ở ngoài, không chịu về nhà. Bà cùng chồng gọi Dam về phụ làm nhà, Dam về làm được ba bữa thì bỏ. Ngày cúng nhà mới, vì Dam sẽ là chủ nhà sau này, nên bà gọi Dam về đứng lễ, nhưng Dam cũng không về.

Bà Hoàng còn kể, nào ngờ sau này Dam về tranh, đối xử với bà “ngang ngược”. Cá bà nuôi ngoài ao, Dam vớt lên ăn nhậu hết. Cây bà trông sau vườn, Dam chặt bỏ. Trâu bò bà nuôi sau chuồng, Dam dọa sẽ chém chết. Mâu thuẫn tích tụ ngày này qua ngày khác, khiến chẳng ai nhìn mặt nhau. “Lúc đầu tui không tranh với nó. Nhưng vì nó sống không phải. Tui ức quá mới lôi ra tòa. Đã ra đến pháp luật, thì không tình nghĩa chi cả”, bà Hoàng nói.

Anh Dam với vai trò bị đơn trong vụ án, khai ở tòa: nguồn gốc ngôi nhà cấp 4 và diện tích đất nêu trên là do cha mình để lại. Do đó, anh Dam yêu cầu chia đôi di sản thừa kế.

TAND huyện A Lưới xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm 7 người: Bà Hoàng và ba người con riêng của bà, và ba người con riêng của ông Phân. Ba người con riêng của bà Hoàng có ý kiến nhượng lại toàn bộ tài sản được hưởng cho mẹ. Hai chị em ruột anh Dam nhượng lại di sản thừa kế mình được hưởng cho anh Dam. Tòa sơ thẩm xử giao nhà cho bà Hoàng được quyền sở hữu. Hiện anh Dam đang ở, do đó phải có nghĩa vụ bàn giao lại cho bà Hoàng. Anh Dam được hưởng 624m2 đất, trong đó 100m2 đất là nhà ở.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bên không kháng cáo. Tuy nhiên viện trưởng VKSND huyện A Lưới có quyết định kháng nghị, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xét xử theo hướng hủy bản án sơ thẩm, lý do: tòa sơ thẩm xác định toàn bộ diện tích đất là tài sản của ông Phân, bà Hoàng mà không xem xét đến công sức của bà Chin; xác định 3 người con riêng của bà Hoàng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Phân là chưa có căn cứ.

Vợ chồng anh Dam và hai con.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh nhận định: Vợ chồng ông Phân, bà Chin có làm nhà 1 gian hai chái lợp cỏ tranh, xung quanh là phên nứa, dựng trên diện tích đất tự khai hoang. Hiện nay các bên đương sự không xác định được diện tích khai hoang này. Nguồn gốc thửa đất này, vợ chồng ông Phân, bà Chin lúc đó chưa được chính quyền địa phương giao đất. Quá trình giải quyết ở phiên tòa sơ thẩm, các đương sự không có yêu cầu giải quyết về công sức của bà Chin. Do đó không có căn cứ để xem xét công sức tạo lập của bà Chin. Các đương sự, kể cả bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phía bị đơn không ai có kháng cáo về vấn đề này.

Đối với ba người con riêng của bà Hoàng, cả ba người con này đều có giấy khai sinh mang tên cha là ông Trần Xuân Phân. Như vậy đã có đủ căn cứ để xác định ông Phân đã nhận ba người này làm con của mình. Do đó xác định ba người này thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Phân là hoàn toàn có căn cứ. Vì vậy, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm./.

Hà Lê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/me-ke-con-chong-tranh-nhau-ngoi-nha-sap-xe-305664.html