'Mê hồn ca': Một dòng tình hoang sơ trong mộng mị

“Mê hồn ca” là tác phẩm đầu tay của thi sĩ Đinh Hùng do nhà xuất bản Tiếng Phương Đông ấn hành tại Hà Nội năm 1954.

Mê hồn ca xuất hiện trên thi đàn giữa thời loạn ly, đất nước chia đôi nên việc phát hành có phần hạn chế. Tuy vậy, ai đã đọc tác phẩm cũng đều bị cuốn hút, ám ảnh bởi hình ảnh liêu trai, ám ảnh bởi sự sống đầy mộng mị của trần gian và chốn âm cảnh. Và, cảm phục trí tưởng tượng bay bổng đầy sáng tạo của Đình Hùng.

Suốt thi tập, với 40 bài là những bản ngợi ca tình yêu cuồng nhiệt. Những điệp khúc ái ân đắm lòng, cao độ của một tâm hồn lạc lõng, ngơ ngác giữa chợ người, muốn tìm về núi rừng, nguyên thủy.

Ngay với những đam mê không tưởng về một thế giới hư vô thần kỳ, người ta cũng bắt gặp một Đinh Hùng tha thiết, mê man với phong cách độc đáo. Tựa trong ông đã sẵn chứa một phần vũ trụ hoang sơ, rừng rú.

Trong thế giới mê hoặc, mờ ảo của một ý thức, trộn lẫn cùng những trực cảm, và những ảo giác hư huyễn của tiền kiếp nào đã qua đi, nhờ thế mà tác giả đã giữ được riêng cho mình một niềm tin, một nguồn sáng riêng soi rực tâm thức:

Trận cười tan hợp núi sông

Cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa

Hý trường đổi lớp phong ba

Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa biển dâu

Sông núi giao thần

Vũ trụ ấy, nhập nhòe giữa thực và ảo ấy, chính là vũ trụ của một biển tình. Cõi Đinh Hùng ấy cũng là cõi tình vô cùng hoang dại và da diết. Cõi tình ám ảnh đến khôn cùng.

Ở vũ trụ ấy, những người tình của Đinh Hùng cũng đi lại, nói cười nhập nhòe, tưởng như ở ranh giới ấy, thế giới âm dương đã nhập đồng vào nhau, bện chặt vào nhau.

Người tình trong thơ Đinh Hùng là người gái thuở ban sơ, là kỳ nữ, gái muôn đời, gái Giao Đài, tố nữ đêm huyền mang vẻ đẹp nguyên sơ, thanh tân:

Ta đặt em lên ngai thờ nữ sắc

Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da

Buổi em về da thịt tẩm hương hoa

Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết

Ôi cám dỗ cả mình em băng tuyết

Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân

Em đài các lòng cũng thoa son phấn

Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ…

Kỳ nữ

Tác phẩm Mê hồn ca của thi sĩ Đinh Hùng.

Yêu thương nhau sâu đậm, khi phải chia xa vì cái chết ai cũng thốt lên tiếng nấc đau thương tận đáy lòng. Cuộc đời Đinh Hùng đã bị chứng kiến và ám ảnh bởi cái chết. Cái chết của những người thân trong gia đình, cái chết của người yêu. Nỗi đau sâu đậm chất ngất trời mây đã được Đinh Hùng thể hiện trong thơ.

Đọc xong bài Gửi người dưới mộ của Đinh Hùng, chúng ta đều cảm thấy rờn rợn trong hồn: "Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?/Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?/Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy,/Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu".

Thơ Đinh Hùng là sự hiện hình của một thực tại huyễn tưởng, nhưng đó là cõi giới mà thi nhân kiếm tìm để nương náu. Một chối bỏ, khước từ, một kiến tạo, phục sinh, thi nhân đồng thời bày tỏ hai thái cực của xúc cảm: điên trong hủy diệt và tái tạo những trang diễm tình, sự uất ức với thực tại và niềm mê đắm cõi tiền sinh, tiền sử.

Những trang diễm tình ấy được dựng nên từ một hệ thống ngôn ngữ đầy ma mị, đầy hư ảo. Đã trót đem lòng yêu thơ Đinh Hùng là buông mình chảy vào một cõi mê mụ không bao giờ có thể dứt khỏi.

Trong Từ điển Văn học có nhận xét về ông như sau:

“Đinh Hùng là người tài hoa, có khả năng hội họa, biết chơi vĩ cầm, thích thú với môn thư pháp bằng chữ quốc ngữ… và sống phóng túng, có khi như một lãng tử.

“Ở phần đầu Mê hồn ca, thơ ông bộc lộ một cảm giác cô độc đặc biệt đến bi thiết: Bài ca man rợ, Những hướng sao rơi, Người con gái thiên nhiên… Ở phần hai với tiêu đề Thần tượng, chứa đựng những vần thơ tôn giáo hóa tình yêu: Kỳ nữ, Hoa sử, Hương trinh bạch…. Một khía cạnh khác của thơ Đinh Hùng là sự ám ảnh của thế giới bên kia: Gửi người dưới mộ, Cầu hôn, Tìm bóng tử thần…”

Ấy cũng xem như là dự cảm cho sự yểu mệnh của thi sĩ tài hoa Đinh Hùng. Đinh Hùng đã từ giã cõi đời vào ngày 24/8/1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư, nhưng thơ ông mãi giữ một nỗi mê đắm trong cõi lòng thẳm sâu của độc giả.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doc-lai-me-hon-ca-cua-dinh-hung-post695116.html