Mê học vì cô giáo mặc váy đẹp

Hôm nào đi học môn tiếng Anh về, Phương Anh - học lớp 6 ở Đông Sơn, Thanh Hóa cũng líu lo kể chuyện cô giáo hôm nay mặc gì, để kiểu tóc thế nào.

- Hôm nào đi học môn tiếng Anh về, Phương Anh - học lớp 6 (Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng líu lo kể chuyện cô giáo hôm nay mặc gì, để kiểu tóc thế nào.

Cô giáo dạy tiếng Anh của Phương Anh còn trẻ và có thói quen mặc váy lên lớp. Một tuần có 3 tiết, cô luôn mặc 3 bộ váy khác nhau không trùng lặp. Phương Anh mê môn tiếng Anh lắm, niềm say mê ấy bắt đầu từ mê cô giáo.

Phùng Ngọc Quang, học sinh lớp 10, THPT Lê Viết Tạo (Thanh Hóa) cho biết : “Đôi khi, trang phục của thầy cô tạo cảm hứng cho giờ học. Bản thân em luôn thích cô giáo mặc váy công sở, áo dài và phải thay đổi thường xuyên. Trong những buổi học như thế, em thường không sao nhãng sang các vấn đề khác mà tập trung hơn vào những điều cô giáo nói. Lúc ấy, em thấy cô đẹp".

Các cô giáo trường tiểu học Nam Hải huyện Hải An, Hải Phòng

Các cô giáo trường tiểu học Nam Hải huyện Hải An, Hải Phòng

Cô Tuyết Nhung, cô giáo của Quang, cho hay, học sinh, đặc biệt là ở lứa tuổi THPT rất nhạy cảm với cách ăn mặc, trang điểm của thầy cô giáo. Mỗi điểm khác biệt trên trang phục của thầy, cô đều “bị” các em chú ý, có khi bắt chước, thậm chí là đề tài nóng hổi để bàn luận.

Bây giờ, không còn cái cảnh học sinh bí mật viết giấy cho nhau bàn luận về chiếc “ti vi’ sau quần của thầy như 10 năm trước. Thay vào đó, giới "nhất quỷ, nhì ma" luôn chú ý xem thầy cô nào có “gu” ăn mặc nhất, cô nào mặc váy đẹp nhất, cái váy nào thì không nên mặc...

Hồ Lan, học sinh Trường THPT Lương Đắc Bằng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nói: "Vì là con gái nên chúng em hay chú ý tới cách ăn mặc, kiểu tóc ..của các cô và học theo. Không phải cố tình đâu, nhưng khi cô đứng trên bục giảng, hình ảnh bề ngoài của cô tạo nên ấn tượng rất mạnh đối với chúng em. Có hôm cô mặc đẹp quá, ngắm cô mà quên cả học".

Bục giảng hay sàn diễn?

Về trang phục của giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ, nhiều trường phổ thông đã có quy định thành văn bản hẳn hoi.

Hầu hết, các trường đều yêu cầu giáo viên mặc áo dài hoặc váy công sở trong những dịp lễ hội.

Nhiều trường cũng đã đưa ra quy định giáo viên mặc váy công sở 3 buổi 1 tuần (Trường THPT Quảng Xương 4 - Thanh Hóa). Một số trường cũng đã có đồng phục riêng như váy đen, áo trắng (Trường THPT Lê Viết Tạo)...

Ông Bùi Khắc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Tạo cho biết : “Chúng tôi quan niệm, bục giảng không phải sàn diễn thời trang. Tuy nhiên, giáo viên phải luôn tạo được hình ảnh đẹp cho mình trong mắt học sinh. Giáo viên cần ăn mặc thế nào để vừa đẹp, lại vừa phù hợp vớ đặc điểm nghề nghiệp và môi trường làm việc của mình”.

Cô Hoàng Ngân, một giáo viên trẻ đã rất bức xúc khi về nhận công tác tại ngôi trường mới với những điều lệ nghiêm khắc: giáo viên không mặc quần bò, áo không cổ lên lớp. Theo cô, ăn mặc thế nào là tùy mỗi người, miễn là nền nã, kín đáo và đẹp là được. Không nên có những quy định có tính cứng nhắc.

Nhiều giáo viên nữ cho biết, khi mặc váy hoặc áo dài lên lớp, họ tự tin hơn bởi họ biết trong mắt học sinh, mình đẹp hơn nhiều.

Một cô giáo trẻ đã tâm sự, cô rất hạnh phúc khi mỗi lần bước vào lớp, học sinh lại ồ lên đầy hứng khởi với trang phục của mình. Mỗi lần như vậy, cô vào bài tràn đầy cảm hứng, học sinh cũng chăm chú hơn. Đặc biệt, cô dịu dàng hơn với học sinh của mình, có em đã viết thư cho cô, gọi cô là "nàng tiên".

Tuy nhiên, không phải cô giáo nào cũng thích mặc váy, bởi không phải ai mặc váy cũng đẹp.

Nhiều cô giáo, đặc biệt là những cô đứng tuổi và có thân hình quá cỡ phàn nàn: “Vì trường quy định nên phải mặc, chứ mỗi lần mặc váy, khổ sở lắm. Mình dáng xấu, mặc váy học sinh lại càng chú ý nhiều, làm minh mất hết cả tự tin. Lại còn lo nó bục chỗ này, hở chỗ kia, thành ra mất tập trung vào bài dạy”.

Không ít cô giáo chưa quen với chuyện mặc váy, áo dài. Cứ mỗi dịp phải ăn mặc chỉnh tề, lại lật đật ôm mớ váy áo lên trường, túm tụm lại một chỗ để thay trang phục, xong việc là trút bỏ ngay để trở về với những bộ quần áo giản dị hàng ngày.

Cô giáo Lê Thị Huyền, Trường THCS Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho hay, vẫn biết, trang phục thế nào là tùy vào sở thích, thói quen và hoàn cảnh của mỗi người. Và điều quan trọng hơn tất cả là khả năng truyền đạt tri thức của giáo viên. Nhưng cái đẹp bao giờ cũng có sức mạnh riêng nên bao giờ lên lớp, cô cũng không quên kiểm tra lại hình thức của mình.

Ngọc Trang (Thanh Hóa)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/5686/me-hoc-vi-co-gia-o-ma-c-va-y-de-p.html