Mẹ già ngồi mơ một bữa cơm có thịt cho đàn con tật nguyền

(Nguoiduatin.vn) - Những người con sinh ra lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo khiết gia cảnh kiệt quệ.

Sinh hạ những đứa con bụ bẫm, thế nhưng người mẹ ấy đã ba lần tự tay chôn cất con. Chồng mất sớm, một mình bà bươn chải chăm lo cho các con bạo bệnh. Giờ đây, bước sang tuổi xế chiều nhưng bà vẫn phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho hai người con đã mù lòa và mắc bệnh tâm thần.

Ba mẹ con bà trong ngồi nhà ẩm ướt, tối tăm

Ba lần tự tay chôn con

Câu chuyện thương tâm về hoàn cảnh gia đình bà Đinh Thị Thiểm ở xóm 13, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam khiến ai cũng xót xa. Căn nhà cũ nát, ẩm thấp nằm ở cuối xóm là nơi trú ngụ của bà và hai người con mù lòa bẩm sinh. Bà Thiểm có dáng người gầy nhom, ốm yếu. Năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng bà rất nhanh nhẹn, tháo vát. Trò chuyện với PV, ánh mắt bà lúc nào cũng đượm buồn.

Bà kể, năm 21 tuổi, bà lập gia đình với một người lính đã xuất ngũ, thương tật 3/4. Có với nhau tới 8 người con, thế nhưng cuộc sống của gia đình bà chưa một giây phút được yên bình. Người con trai đầu, Lại Văn Lợi (sinh năm 1955) vừa chào đời đã mang bệnh hiểm nghèo. Nhà nghèo, vợ chồng bà gom góp tất cả những vật dụng có giá bán đi để đưa con đến các bệnh viện chữa bệnh. Mỗi đêm, bà ức nước mắt khi nhìn đứa con đầu lòng nằm bất động, không tiếng khóc cười. Sau 9 tháng chạy chữa, anh Lợi qua đời.

Nỗi đau chưa nguôi, từ khi sinh ra người con thứ 5, anh Lại Văn Tiến (sinh năm 1967) mắt đã không nhìn được. Anh chỉ biết ngồi quanh quẩn một góc nhà, càng lớn càng ngớ ngẩn, không nhận biết được xung quanh. Đến người con thứ 6 của bà, anh Lại Văn Thành vừa chào đời đã đau ốm và mắc bệnh thấp khớp, chân tay tê liệt. Sau gần 20 năm nằm liệt giường, anh Thành qua đời vì bệnh nặng.

Bất hạnh vẫn không ngừng ập xuống căn nhà nhỏ của bà, người con gái thứ 7 sinh ra với nhiều hy vọng lại tiếp tục bị mù mắt. Quanh năm chị sống trong bóng tối. Khi hỏi tuổi thì chị không thể nhớ được, có lúc chị lại buột miệng: “Chắc em cũng gần bằng tuổi mẹ”. Đã vậy, chị còn mắc bệnh phù nề, tay chân và người sưng phù, ốm đau liên miên.

Đến khi sinh hạ người con thứ 8, niềm vui chưa thành lời, bà chưa kịp đặt tên cho con thì anh đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Sau đó không lâu, ông Lại Văn Thắng, chồng bà Thiểm liên tục đau ốm. Do mang nhiều thương tật từ chiến tranh, lại mắc thêm căn bệnh viêm phổi nặng nên ông nằm liệt một góc giường. Gần chục năm ròng rã, chạy đôn chạy đáo lo thuốc thang chăm sóc cho chồng, năm 2004, ông Thắng qua đời bỏ lại bà Thiểm và hai người con điên dại.

Ước ao một bữa cơm có thịt

Ngôi nhà ọp ẹp, cũ nát của bà chẳng có vật gì đáng giá ngoài bộ bàn thờ tổ tiên được làm bằng gổ lim đã cũ kĩ. Mọi sinh hoạt của ba mẹ con bà chỉ biết trông cậy vào số tiền trợ cấp tàn tật 120.000đ/tháng của hai con. Những người con khác của bà tuy đã lập gia đình, nhưng nhà cũng nghèo nên chỉ giúp đỡ bà được ít tiền hay biếu bà vài yến gạo, không phụ giúp bà chuyện chăm sóc các em tàn tật được.

Bản thân bà Thiểm sức khỏe yếu. Bà mắc chứng bệnh thần kinh toại lâu năm nên cơ thể thường xuyên bị co giật, đau nhức. Tuy vậy, kể cả những ngày mệt mỏi, đau ốm bà vẫn phải ra đồng hái nắm rau dại về lo bữa cơm cho các con. Đối với mẹ con bà, một bữa cơm có thịt lợn là một niềm mơ ước. “Bệnh của thằng Tiến nặng lắm, nếu đợt nào không có thuốc uống thường xuyên là nó lại lên cơn đập phá đồ đạc và chửi bới mọi người. Dù mắt nó không nhìn được nhưng có hôm tôi đi vắng nó lên cơn rồi bắc thang mò mẫm lên mái nhà dỡ ngói ném xuống sân cho vỡ nát. Tôi về nhà sợ quá phải nhờ mấy người hàng xóm đỡ cháu xuống và vay tiền đi mua thuốc chữa bệnh cho con”, bà Thiểm tâm sự.

Nỗi lo lớn nhất của bà là người con gái mắc bệnh sưng phù. Chân tay chị Sáu ngày càng sưng tấy to, rồi lở loét, nổi mụn, bỏng nước. Nghe mọi người mách uống nước vỏ dưa hấu sẽ chữa được bệnh sưng phù nên mỗi buổi trưa, bà lại ra chợ xin nhặt những mảnh vỏ dưa hấu mà người ta ăn xong vứt đi để về nhà đun nước cho con uống.

Ngày nào cũng vậy, bà Thiểm dậy sớm nấu cháo cho các con ăn rồi tiếp tục làm việc nhà. Bà cuốc xới lại mảnh đất vườn để trồng chuối kiếm thêm thu nhập. Chỉ tay vào mấy buồng chuối xanh, bà Thiểm nói: “Ít hôm nữa buồng chuối này chín rồi mang ra chợ bán, tôi sẽ có tiền mua thức ăn và mua thuốc bệnh cho các cháu”. Kể đến đây, bà Thiểm ứa lệ, nghẹn ngào không nói nên lời. Hai người con mù lòa, ngớ ngẩn đang ngồi trong căn buồng tối chẳng hiếu lý do gì cũng ôm nhau bật khóc...

Mọi giúp đỡ xin gửi về bà Đinh Thị Thiểm ở xóm 13, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Hoặc địa chỉ báo Đời sống & Pháp luật, tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 0462810839, 0978080388. Gửi tiền qua tài khoản, tên tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật, số tài khoản 10201 000 1139 72, Ngân hàng Cổ phần Công thương Việt Nam, chi nhánh Quang Minh, Hà Nội.

Cao Tuân

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/me-gia-ngoi-mo-mot-bua-com-co-thit-cho-dan-con-tat-nguyen-a49007.html