Mẹ già 85 tuổi tần tảo nuôi con ngây dại giữa Sài Gòn

Chồng bà Thà mất sớm do di chứng của chiến tranh, để lại cho bà 9 đứa con nheo nhóc. Trong số 9 người con, có 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Từ ngày đó, một thân một mình bà chạy vạy, buôn bán đủ nghề để kiếm tiền nuôi đàn con thơ dại.

Hàng ngày bà Lưu Thị Thà (85 tuổi) thường bán trái cây bên vệ đường tại khu phố 5, P.An Lạc A, Q.Bình Tân TP.HCM - Ảnh: Phan Định

Khổ sở với bàn tay bị nứt xương do té ngã khi trời mưa trơn trượt, phải bó bột, bà Lưu Thị Thà (85 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh) ngồi nép sát người vào bức tường bên vệ đường tại khu phố 5, P.An Lạc A, Q.Bình Tân để bán trái cây.

VIDEO: Mẹ già 85 tuổi cơ cực nuôi con bị chất độc da cam

Bà Thà ngồi đây bán cũng đã gần 10 năm, sau một khoảng thời gian dài rày đây mai đó hồi trước. Dưới cái nắng như đốt da đốt thịt, bà Thà phải bán từng cân trái cây để kiếm tiền nuôi anh Bột, là con trai út của bà bị nhiễm chất độc da cam.

Gánh nặng trên vai người mẹ già 85 tuổi

Mỗi sáng, bà Thà phải thức dậy thật sớm đón xe buýt đi từ ấp 1, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh đến P.An Lạc A, Q.Bình Tân, để chuẩn bị dọn hàng trái cây bán cho kịp phiên chợ sáng. Vì tiện đường vào chợ Khiếu Năng Tĩnh, Q.Bình Tân, nên nhiều người đi đường hay ghé vào mua ủng hộ cho bà nải chuối, trái đu đủ,… mà không lấy lại tiền thối.

Ngày qua ngày, bà Thà vẫn ngồi bên vệ đường để bán trái cây kiếm tiền nuôi con

“Nếu bữa nào bán đắt thì 2 ngày bà xuống chợ đầu mối lấy trái cây 1 lần, còn bán chậm thì 3 ngày bà mới lấy. Tầm 2 giờ - 3 giờ sáng là bà bắt đầu đón xe đò đi lấy trái cây, thường là chủ vựa không lấy tiền bà trước, chừng nào bán hết bà mới trả sau. Vì thấy bà khổ nên họ bán chịu cho bà, mỗi kg bà lời được 3.000 đồng”, bà Thà nói.

Trừ những ngày đau ốm, ngoài ra ngày nào bà Thà cũng ngồi bán tại góc đường này. Chỗ bà buôn bán không có lấy một tấm bạt để che chắn nắng mưa.

Lấy trong túi ra chiếc khăn đã cũ, bà lau vội những giọt mồ hôi đang nhễ nhại trên trán, bà nói: “Bà quen rồi nắng chút xíu có gì đâu, bà bán tới 3 giờ chiều hà, về sớm để lo cơm nước cho thằng Bột, chứ sáng bà chỉ gửi cho bà chủ tap hóa gần nhà 30.000 đồng, để nó muốn ăn gì thì bả mua giúp, giờ còn có mình nó sống với bà”.

Hằng ngày, người dân trong con đường nhỏ thay phiên nhau cho bà cơm, nước, vì thương phận đời gian truân, bất hạnh của bà.

Thậm chí những chị bán hàng rong, anh bán hủ tiếu, bà con đi chợ về ngang cũng ghé vào biếu bà hộp cơm, chai nước hay bó rau, trái ớt,…

Chị Ngô Thị Tâm (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) buôn bán nước sâm kiếm sống, mỗi khi đi ngang đoạn đường này, chị đều ghé vào cho bà chai nước, hộp cơm.

Chị chia sẻ: “Thấy bà cụ cũng khổ, già rồi mà phải ngồi ngoài nắng, ngoài mưa bán trái cây, có hôm đi ngang chị ghé hỏi bà ăn gì chưa, bà nói chưa. Chị thấy xót quá mới mua cho bà hộp cơm. Từ đó, hễ đi ngang là chị ghé cho cụ đồ ăn”.

Số phận nghiệt ngã

Chồng bà Thà mất sớm do di chứng của chiến tranh, để lại cho bà 9 đứa con nheo nhóc. Trong số 9 người con, đã hết 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Từ ngày chồng qua đời, một thân một mình bà chạy vạy, buôn bán đủ nghề để kiếm tiền nuôi đàn con thơ dại.

Bà Thà rưng rưng nước mắt, như xót thương cho chính số phận nghiệt ngã của mình. Bà nghẹn ngào kể: “Trong 9 đứa con thì đứa đầu và đứa út bị nhiễm chất độc da cam. Ngày sinh đứa đầu tiên, bà hoảng hồn khi nhìn thấy đứa con trai đầu lòng lại có đầu to khác người. Sau khi biết con trai bị nhiễm chất độc, bà rất buồn và thương con, không lâu sau đứa con đầu lòng của bà mất”.

Nhiều người đi đường hay ghé vào mua ủng hộ bà nải chuối, trái đu đủ,… mà không lấy lại tiền thối

Trong suốt hơn 40 năm phiêu bạt, bươn chải, bà Thà đi hết nơi này đến nơi khác tìm kế sinh nhai. Đã từng có người muốn cùng bà chia sớt nỗi cực nhọc, nhưng nghĩ đến đàn con thơ, bà quyết định sống vậy để chăm nuôi mà không đi thêm bước nữa.

Rồi năm tháng trôi qua, các con bà cũng dần trưởng thành. Bà đã từng nghĩ, cũng đã đến lúc mình được hưởng thụ, sống cảnh an nhàn bên con cháu. Nhưng biến cố ập đến, ước mơ của bà vụt tắt, khi mà người con thứ hai, thứ ba và thứ tư của bà lần lượt qua đời vì bạo bệnh. Sau sự mất mát quá to lớn đó, bà gần như gục ngã.

Sau này, những người con còn lại của bà cũng lập gia đình rồi đi làm ăn tứ xứ. Bây giờ, chỉ còn người con út tên Bột bị nhiễm chất độc da cam ngây ngây dại dại ở cùng bà. Dù tuổi cũng đã ngoài 40 nhưng anh Bột cứ như một đứa trẻ, không phụ giúp được gì cho bà.

“Dựng vợ gả chồng cho chúng nó xong, mạnh đứa nào đứa nấy ra riêng cũng không về thăm bà được ngày nào. Có lúc bà muốn bỏ hết để vào chùa tu nhưng vì thằng út nó khù khờ bỏ đâu được, nên giờ bà ráng bán kiếm tiền nuôi nó, đến đâu hay đến đó”, bà Thà thở dài.

Ngồi co ro bên vệ đường, một lần nữa nước mắt bà rơi, hai hàng lệ chảy dài trên gương mặt sạm đen vì những tháng ngày tảo tần cho trọn tình mẫu tử.

Bà Thà than thở: “Sinh 9 đứa con giờ còn có 5 đứa mà cũng không tròn vẹn. Đứa út nó bị chất độc da cam, ngây ngây dại dại, suốt ngày đập phá đồ đạc, đập đầu xuống đất, bà buồn mà không biết than thở với ai”.

Ngày qua ngày, bà Thà vẫn ngồi bên vệ đường bán từng cân trái cây để kiếm tiền nuôi người con ngây dại của mình. Bà chờ đợi và mong mỏi một ngày nào đó bà thật sự được nghỉ ngơi vì cả cuộc đời bà đã quá cực khổ rồi, nhưng cuộc sống và cả chính bản thân bà vẫn chưa cho phép bà làm điều đó.

Phan Định

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/me-gia-85-tuoi-tan-tao-nuoi-con-ngay-dai-giua-sai-gon-861808.html