Mẹ đang nuôi một ổ giun sán trong bụng con nếu thường xuyên cho trẻ ăn những thực phẩm này

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nhiễm giun sán mà mẹ ít ngờ đến nhất lại chính là thói quen ăn uống hằng ngày. Dưới đây là những thực phẩm chứa mầm mống giun sán mẹ nên chú ý trước khi cho con ăn.

Một số thực phẩm dễ nhiễm giun sán

Các loại rau thủy sinh

Ảnh minh họa

Rau muống, rau cần nước, rau nhút,... là những loại rau sinh trưởng ở môi trường ao hồ, dưới đáy bùn nên rất dễ bị nhiễm giun sán. Những thực phẩm này thường bị nhiễm sán lá gan lớn, rất nguy hiểm đối với sức khỏe trẻ nhỏ.

Các loại hải sản

Ảnh minh họa

Khi cho trẻ ăn hải sản, nếu mẹ không chú ý chế biến kỹ và nấu chín thì nguy cơ trẻ bị dị ứng, ngộ độc, thậm chí là nhiễm sán lá gan nhỏ là rất cao. Theo nghiên cứu, sán lá gan vẫn có thể tồn tại trong các loại hải sản nếu chưa được nấu chín kỹ hoặc trong các món gỏi cá, cá sống, cua sống,...

Các loại thực phẩm tái

Ảnh minh họa

Một số món ăn như thịt lợn, bò tái, nem chua,…rất dễ bị nhiễm ấu trùng giun sán trong quá trình chế biến. Nếu mẹ cho trẻ ăn những món này thường xuyên, trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm sán lải bò, sán lợn. Các loại sán này có chiều dài lớn, thường ký sinh ở thành ruột. Riêng ấu trùng sán lợn, sán gạo thường ký sinh trùng dưới da, trong ống thần kinh, não.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm giun sán

Trẻ bị nhiễm giun sán thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, biếng ăn, dễ nôn mửa. Ngoài ra, trẻ sẽ thường xuyên bị đau bụng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng. Mẹ cũng có thể phát hiện thêm dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun dựa vào thói quen trằn trọc, gãi hậu môn do ngứa trong lúc ngủ.

Xem thêm: 6 loại trái cây có lợi cho hệ tiêu hóa các mẹ nên cho con ăn thường xuyên

Trẻ nhiễm giun sán nếu không được phát hiện và tẩy giun kịp thời sẽ để lại những hậu quả vô cùng nguy hiểm. Lúc này, giun có thể chui vào ống mật làm tắt ống mật, chui vào mạch máu, qua gan qua phổi… khiến sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Ảnh minh họa

Cách phòng chống nhiễm giun sán ở trẻ

- Cho trẻ ăn chín uống sôi tuyệt đối không ăn uống đồ tái sống. Với trái cây, rau củ có thể ăn sống, mẹ nên ngâm nước muối nhiều lần và nên gọt vỏ sạch.

- Chú ý vệ sinh thân thể cho trẻ thường xuyên và sạch sẽ để triệt tiêu cơ hội ký sinh trùng đường ruột phát triển với số lượng lớn trong bụng.

- Rèn cho trẻ thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.

- Cắt móng tay, móng chân thường xuyên cho trẻ. Hạn chế cho trẻ đi chân đất ra ngoài. Nếu trẻ nghịch đất bẩn, bố mẹ cần tắm rửa sạch sẽ, chú ý rửa sạch kẽ móng tay, móng chân cho trẻ.

- Trẻ từ 2 tuổi trở lên cần được tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

TH

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/me-va-be/me-dang-nuoi-mot-o-giun-san-trong-bung-con-neu-thuong-xuyen-cho-tre-an-nhung-thuc-pham-nay-74019