Máy X-quang tiền tỷ ‘đắp chiếu’

Nhiều bệnh viện tuyến huyện tại Quảng Ngãi được đầu tư máy chụp X-quang, xét nghiệm hiện đại giá tiền tỷ nhưng không sử dụng vì không có bác sĩ đọc kết quả.

Trao đổi báo chí chiều 21/8, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận có hiện tượng các máy tiền tỷ “đắp chiếu” tại một số bệnh viện của Quảng Ngãi, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện. Các máy móc này gồm máy siêu âm, chụp X-quang… được đầu tư nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nguồn vốn viện trợ ODA.

Trong khi đó, người dân bức xúc khi cơ sở y tế có máy chụp chiếu nhưng không sử dụng mà yêu cầu bệnh nhân lên tuyến trên.

Máy chụp X-quang tiền tỷ tại Trung tâm y tế huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi "đắp chiếu" vì không có người vận hành.

Thực trạng trên là do có máy móc hiện đại nhưng cơ sở y tế lại thiếu kỹ thuật viên, bác sĩ để đọc kết quả, theo ông Sơn. Khi những kết quả này được gửi đến cơ quan bảo hiểm để đề nghị thanh toán thì chỉ có chữ ký của kỹ thuật viên, không có chữ ký của bác sĩ đọc kết quả. Đối chiếu quy định hiện hành, cơ quan bảo hiểm xã hội không thể thanh toán cho khoản chụp chiếu này. Hiện cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan y tế giải quyết vướng mắc này.

Theo ông Sơn, tình trạng tại Quảng Ngãi cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Từ cuối năm 2014 đầu năm 2015 nhiều huyện vùng sâu xa, huyện đảo của các tỉnh thành như Hải Phòng, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Máy móc được đầu tư hiện đại nhưng không có nhân lực theo yêu cầu. Khi đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đã từ chối thanh toán chi phí cho đến khi cơ sở đủ điều kiện, nhiều nơi không tiếp tục sử dụng thiết bị.

Vướng mắc này bắt nguồn từ quy định bác sĩ muốn hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề, điều kiện để cấp là thời gian hành nghề ít nhất 5 năm. Với điều kiện này, bác sĩ tại các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội thì không có khó khăn. Ở những tỉnh sâu xa; huyện miền núi, huyện đảo như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Ngãi…; bác sĩ đủ 5 năm kinh nghiệm để cấp chứng chỉ hành nghề là rất khó khăn. Từ đó dẫn đến chuyện máy được đầu tư tiền tỷ nhưng không có người sử dụng, vận hành hay bác sĩ đọc kết quả.

Để giải bài toán thiếu nhân lực này, ngày 3/6, Bộ Y tế đề nghị các Sở chỉ đạo bệnh viện cử cán bộ có chứng chỉ hành nghề đến cơ sở y tế đọc các kết quả xét nghiệm, chụp X-quang… ; nếu đúng thì ký xác nhận trên kết quả đó để cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán. Tuy nhiên, theo ông Sơn việc này khó khả thi. Nhiều bệnh viện cũng thiếu nhân lực, việc cử cán bộ có chứng chỉ hành nghề đến cơ sở y tế để thẩm định lại kết quả chụp chiếu rất khó. Hơn nữa, vấn đề là quá trình vận hành máy để đưa ra các kết quả đó liệu có đảm bảo để cho kết quả chính xác.

Ông Sơn cho rằng để tránh tình trạng đầu tư lãng phí, không hiệu quả, ngành y tế nên có quy định rõ ràng, phân tuyến cụ thể, chuẩn hóa tuyến nào được làm những kỹ thuật chụp chiếu. Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người dân đến trạm y tế xã được siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu..., lên đến tuyến huyện, tỉnh và trung ương lại làm một lần nữa các thủ tục này. Lý do vì các đơn vị không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.

Theo Báo Vnexpress

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/may-x-quang-tien-ty-dap-chieu-d77770.html