May mắn thoát khỏi đa cấp Liên Kết Việt, cả đời tôi bị ám ảnh

N cảm thấy bản thân mình đã quá may mắn, tuy vậy câu chuyện này đã khiến N bị ám ảnh nhiều tháng sau đó.

LTS: Những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ việc cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Xuân Giang (ngụ P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội) - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại VN (gọi tắt Công ty Liên kết Việt) và Nguyễn Thị Thúy (ngụ P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) - Phó tổng giám đốc công ty, cùng 5 người khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an - cơ quan đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam do Lê Xuân Giang cầm đầu, có tới 60.000 người đã trở thành nạn nhân của công ty này.

Tranh châm biếm: LEO.

Gửi thư tới tòa soạn Phapluatplus.vn, 1 trong số 60.000 nạn nhân nói trên đã thuật lại quá trình mình bị đa cấp Liên Kết Việt đưa vào tròng và thoát hiểm như thế nào. Phapluatplus.vn xin phép đăng tải câu chuyện của độc giả này để quý vị độc giả cùng theo dõi.

Bài 1: Tôi đã thoát khỏi vòng vây đa cấp của Liên Kết Việt như thế nào?

Bài 2: "Ma thuật" của đa cấp Liên Kết Việt đã hạ gục tôi như thế nào?

Hơn 8 giờ tối N mới được về. Trên đường về nhà N thấy tỉnh táo hơn và suy nghĩ, xâu chuỗi các dữ kiện lại thì phát hiện mình bị lừa.

N gọi cho những người quen của mình, có người làm nhà báo, công an.

Sáng hôm sau N cùng anh họ của mình tới xin hủy hợp đồng nhưng không được chấp thuận và đại diện công ty nói sau 1 tuần nữa tới gải quyết.

1 lúc sau cả N và anh họ của N được chị tự xưng giám đốc hôm trước gặp. Chị ta nói chuyện với anh họ N một lúc, thuyết phục này nọ nhưng anh họ N không chấp thuận.

N tỏ vẻ đáng thương vì gia đình phản đối đi làm thêm, sau đó chị này bảo phải có chứng minh nhân dân mới hủy được hợp đồng và xin được đi tiếp người khác.

Cùng lúc này anh họ N và N chứng kiến một bác tầm 50 tuổi cùng con gái khoảng sinh viên năm nhất đại học được thuyết phục và kí 2 hợp đồng cùng tiền mặt, xung quanh rất nhiều bạn nữa cũng đang được thuyết phục ký hợp đồng tương tự.

Anh họ N và N gặp kế toán thì chi này nói muốn hủy hợp đồng thì sau 20 ngày mới được nhận tiền về và phải chịu mất 1 triệu đồng, tức được trả 7 triệu đồng.

Nhưng vấn đề là tiền lãi ở tiệm cầm đồ đợi đến khi đó quá lớn.

Sau một hồi, 2 anh em N bàn bạc giả vờ tiếp tục nhưng với điều kiện công ty phải giải quyết chỗ lãi kia xuống 3,5 phẩy.

Hôm sau N lại tới công ty nói chuyện với 1 người tự xưng phó giám đốc chi nhánh tên Tr. Sau một hồi mấy nhân viên ở công ty bàn bạc, Tr đưa cho 1 cậu nhân viên trẻ 8 triệu đồng đi lấy thẻ sinh viên cho N để chuyển vay chỗ khác với lãi suất thấp hơn.

T tới chỗ tiệm cầm đồ lần trước lấy được thẻ sinh viên ra. Vừa về tới công ty thì mấy nhân viên ở công ty yêu cầu N tới 1 tiệm cầm đồ khác vay lãi để trả lại 8 triệu công ty vừa bỏ ra lấy lại thẻ cho N ở tiệm cầm đồ cũ.

Nhưng N nhất định không chịu đi và bảo không vay nữa, bao giờ công ty trả lại tiền kia thì N sẽ trả lại số tiền vừa “mượn” của công ty.

Có một điểm mấu chốt là N không hề có ý định vay mượn mà do công ty tự đưa cho cậu nhân viên kia đi lấy thẻ về chứ không trực tiếp đưa tiền cho N.

Mấy tên nhân viên ở công ty bắt đầu llý sự cùn với N. N lại gọi anh họ N tới.

Sau một hồi thuyết phục không được, cô bạn T (người dụ dỗ N vào công ty ở bài 1) đề nghị N đưa CMND để giải quyết giấy tờ rút hồ sơ xong.

“Cậu khôngmuốn làm nữa, tớ nói đỡ mấy anh chị cho, đưa CMND tớ đi in rút hồ sơ cho rồi tớ đưa trả lại cậu”, T nói.

Không hiểu sao N lại mắc mưu ngoan ngoãn đưa CMND cho cô bạn mình và chờ đợi.

Đợi mãi không thấy đâu, gọi điện thì T không nghe máy và cuối cùng N đành cùng anh họ trở về.

Anh N bảo kệ, không phải quan tâm, coi như mất CMND thì làm lại.

Sau đó, N được anh D giới thiệu với anh P, cả hai anh đều là phóng viên. Anh P là người đang thực hiện loạt bài điều tra về các sai phạm của công ty đa cấp này.

Các anh không trách N mà an ủi và hướng dẫn các phương án để N lấy lại CMND hoặc sẽ nhờ công an vào cuộc giải quyết.

Suốt 1 tuần liền sau khi rời khỏi công ty, N bị hết người này đến người kia ở công ty gọi điện, nhắn tin yêu cầu tới giải quyết, gọi cả cho anh họ của N để làm phiền.

Lo đến chuyện công ty này làm việc với người ở tiệm cầm đồ hôm trước nên anh em N đành tới tiệm cầm đồ để xin giấy bảo lãnh đã trả hết tiền.

Rất may cho N, người chủ ở tiệm cầm đồ đó là đồng hương với N (cùng quê Thái Bình). N tới gặp và kể hoàn cảnh của mình bị lừa như thế nào, bác đó an ủi và bảo không phải lo lắng gì nữa.

Bác này đưa cho bản photo giấy vay hôm trước và viết giấy cam kết N đã trả hết tiền cho tiệm và tiệm đã trả hết giấy tờ cho N.

Bác còn nói với anh em N rằng công ty đa cấp Liên Kết Việt đó đã lừa rất nhiều sinh viên, nếu “bọn đó” ( cách bác gọi) làm phiền cháu và không chịu trả giấy tờ cho cháu thì để bác can thiệp cho.

Nhìn qua sổ cho vay của bác thì rất nhiều sinh viên vay tiền ở đây, hầu hết đều là số tiền 8 triệu đồng.

N trở về bàn cách với các anh phóng viên thì ngay sau đó được người ở công ty Liên Kết Việt gọi điện bảo tới công ty lấy giấy tờ.

Phòng trước các trường hợp xấu có thể xảy ra, N nhờ cả các anh công an tới lấy CMND thì được chúng trả lại CMND nhưng bắt N trả lại 8 triệu đồng.

Người trong công ty liên tiếp vừa gọi, vừa năn nỉ, vừa đe dọa N. Khi các anh N xưng là phóng viên thì chúng năn nỉ và hẹn ngày mong N tới hủy hợp đồng rút tiền giúp, vì chúng cũng ở dưới mà tiền trên tổng nên không làm gì được.

Bác ở tiệm cầm đồ gọi cho N và bảo bác liên lạc nhưng chúng bảo trả hết giấy tờ cho cháu rồi, thế chúng trả chưa? N bảo trả rồi và thầm cảm ơn bác tốt bụng ấy biết bao.

Sau 1 tuần thì chúng hẹn N tới công ty để hủy hợp đồng rút tiền giúp chúng, vì không muốn dính dáng tới bọn chúng nữa nên N đồng ý tới gặp.

Nhưng N hẹn chúng ra 1 quán café gần công ty để hủy, chúng không chịu, N kiên quyết không nghe. Sau đó chúng đành xuống nước cầm hợp đồng cùng N tới trụ sở chính để hủy hợp đồng rút tiền.

Trụ sở chính không phải ở đường Hoàng Quốc Việt mà là ở phố Đặng Thùy Trâm. N cùng người tên Tr tới đó phải mua thẻ để được lên và phải qua các vòng kiểm tra khá nghiêm ngặt.

Tầng 3 căn nhà đó được bố trí như ở ngân hàng, cùng lúc đó có 1cô bé cũng tầm 17 tuổi đến hủy hợp đồng.

Sau 1 lúc chờ đợi thì người tên Tr kia khép nép trước mấy tên khác bắt tay chào hỏi, N thì được gọi vào 1 căn phòng kín . Ở đó có 1 chị kế toán với 1 thùng tiền, có vẻ rất lớn cùng 2 người đàn ông lớn tuổi đang kiểm tra những sản phẩm ở đó.

Sau 1 lúc làm thủ tục thì N lấy được 7 triệu đồng, ra tới ngoài N đưa cho người tên Tr kia và bắt hắn viết 1 bản cam kết không được làm phiền hay có bất cứ tin nhắn, cuộc gọi nào tới cho N và người thân nữa...

Kết thúc câu chuyện đã để lại cho N bao bài học xương máu, không được tin người quá và khi làm bất cứ việc gì cần suy nghĩ cẩn trọng hơn. Không ai tự dưng cho không ai cái gì, tiền nong phải đổ mồ hôi công sức thì mới có được.

Qua tiếp xúc làm việc với các anh nhà báo N cũng được biết thêm về nhiều hành vi, tội ác của các công ty dạng này. N sau đó được gặp 2 cô bạn khá trẻ nhưng được biết 2 cô bạn này cũng bị lừa vào công ty đa cấp Liên Kết Việt và nợ nần tới gần trăm triệu, không còn cách nào khác phải bỏ học và đi làm gái làng chơi, may mắn gặp các anh nhà báo và được hợp tác, giúp đỡ thoát khỏi vòng vây.

Tuy nhiên sau đó 2 cô bạn đó vẫn còn nợ hơn chục triệu nữa.Và trong quá trình hợp tác làm việc để moi thông tin của công ty đa cấp kia thì bị phát hiện và bị đánh đập, hành hung tới mức phải nhập viện cấp cứu.

N cảm thấy bản thân mình đã quá may mắn, tuy vậy câu chuyện này đã khiến N bị ám ảnh nhiều tháng sau đó. N chỉ mong sao các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất, năm hai cần cảnh giác, chịu khó đọc báo, nghe đài để tránh xa vòng vây dã man của các công ty đa cấp.

Hết...

Độc giả (xin giấu tên)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/may-man-thoat-khoi-da-cap-lien-ket-viet-ca-doi-toi-bi-am-anh-d7170.html