Máy gặt đập liên hợp: Sân chơi của dân tay ngang!

SGTT.VN - Chỉ trong năm năm, từ vài chục chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH), đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có 4.861 máy, và dự kiến sẽ có thêm hàng chục ngàn máy nữa. Thế nhưng, người mua máy vẫn phải tự mày mò sử dụng.

Ông Tống Khiêm, giám đốc trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư quốc gia, thừa nhận tốc độ cơ giới hóa rất nhanh ở vùng ĐBSCL, nói: “Năm đầu tiên, hội thi máy GĐLH ở Kiên Giang có 1.300 nông dân đến xem, nhiều người còn nghi ngờ. Bây giờ nếu nông nghiệp đồng bằng sông Hồng bùng nổ máy sạ hàng thì ở đây bùng nổ máy GĐLH”. Nhiều thợ lái máy gặt đập liên hợp không biết học lái máy ở đâu. Ảnh: Hoàng Lan Theo ông Khiêm, năm 2011 bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chọn bốn tỉnh ở ĐBSCL thực hiện chương trình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo tới thu hoạch. Theo tính toán của PGS.TS Mai Thành Phụng, văn phòng trung tâm Khuyến nông quốc gia (phía Nam): Nếu 50% tổng diện tích lúa gieo trồng trong 1 năm của các tỉnh, thành phía Nam được thu hoạch bằng máy thì số lượng GĐLH cần khoảng 15.000 máy. Năm năm khấu hao một máy, nếu mỗi một năm loại ra 1.000 máy thì để mở rộng thu hoạch lúa bằng máy đồng bằng cần hơn 10.000 máy nữa. Chừng ấy chiếc máy GĐLH sẽ xuất hiện trên đồng ruộng ĐBSCL. Tuy nhiên, tại hội thi máy GĐLH lần thứ tư (Trường Khánh, tỉnh Sóc Trăng), hỏi dò những người lái máy dự thi, hầu hết đều là dân “tay ngang”, tức là chẳng học hành trường lớp gì! “Lâu nay, lái đại là chính”, một người thú thiệt. Ông Dương Văn Thành ở Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng kể lại chuyện trong xóm có người lái máy GĐLH trên bờ xáng xuống kênh. “Lái đại tưởng cũng như xe bình thường thôi, ai dè nó vọt lên, lật một lần tưởng chết” anh Thành nói. Có một điểm trường dạy lái máy GĐLH vừa lóe lên rồi tắt lịm! Ông Đỗ Văn Điểm, giám đốc trung tâm kỹ thuật nông nghiệp (trường cao đẳng Kinh tế – kỹ thuật Cần Thơ), người thắp đèn cho lớp học này, nói: “Năm 2008, trung tâm kết hợp với trung tâm Khuyến nông Kiên Giang mở lớp dạy lái máy GĐLH, chiêu sinh 30 người nhưng chỉ có chín người học, mời thầy ở khoa công nghệ – trường đại học Cần Thơ, tìm thợ lái kéo đang tứ tán về, nhưng để có máy thực hành phải bỏ ra tiền tỉ, thì làm sao sắm được máy mẫu để dạy. May nhờ công ty TNHH Vĩnh Hưng chịu nhận học viên thực hành (một tháng lái không tải, hai tháng lái thực tế). Mỗi máy có hai học sinh thực hành, chủ kèm cặp. Nhưng khi thợ lái máy kéo không đủ thì chủ máy kèm cặp. Nhưng đó cũng là dân “tay ngang” nên kết thúc khóa học thì cũng vãn tuồng. Vận hành máy gặt đập liên hợp không đúng sẽ gây tổn thất sau thu hoạch. Ở vùng sình lầy điều khiển không rành dễ gặp rủi ro. Ông Trịnh Kim Long ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, nói: “Đã ra đồng máy cũng phải chạy trên bộ, xuống kênh, lên chẹt... chết như chơi nếu không ai dạy để đừng rủi ro”. Ông Đỗ Văn Điểm nói: “Vận hành máy GĐLH không đúng sẽ gây tổn thất sau thu hoạch. Ở vùng sình lầy điều khiển không rành dễ gặp rủi ro. Mỗi máy cần hai lao động, thay phiên nhau vận hành máy. Như vậy, cần huấn luyện 30.000 người lái máy GĐLH. Nơi có 18 – 20 người là có thể mở một lớp. Hiện nay rất nhiều người mua máy làm dịch vụ, họ cần phải học để việc thu hoạch tốt hơn, an toàn hơn”. Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với nguồn ngân khoản dự chi trên 32.000 tỉ đồng để dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và bộ Lao động, thương binh và xã hội đã hoàn tất đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực nông thôn: đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; dạy nghề cho nông dân và con em nông dân để chuyển dịch cơ cấu lao động; và nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở ở nông thôn. Nông dân đi học sẽ được cấp tiền qua thẻ, trung bình khoảng 500.000 đồng/người. Thời gian học nghề không quá sáu tháng. Nhà nước dự kiến trích 150 tỉ đồng/năm để cấp học bổng cho nông dân, giai đoạn sáu năm đầu là 900 tỉ đồng. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kỳ vọng, từ 2009 – 2015, trung bình mỗi năm sẽ cấp chứng chỉ đạt chuẩn nghề nông nghiệp cho 300.000 lao động, đưa tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo từ 20% năm 2010 lên 40% năm 2015, 50% năm 2020. Liệu chương trình ấy khi triển khai có tính đến nhu cầu bức xúc ở vùng đồng bằng này: học lái máy GĐLH. Thực tế là chưa biết bao giờ mới có trường!

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/130102/may-gat-dap-lien-hop-san-choi-cua-dan-tay-ngang.html