Máy bay tiêm kích Mig-29K gặp nạn

Lý do để các máy bay Mig-29K bị “cất” trong cuộc xuất kích đầu tiên của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov liên quan đến vụ một chiếc Mig-29K bị rơi trước đó.

Mig - 29K trên tàu Đô đốc Kuznetsov - Nguồn: Combataicraft.jpg

Hãng tin Nga Sputnik 14-11 đã đưa tin trên vào lúc 19g55 cùng ngày.

Theo hãng tin này, chiếc Mig-29K của Nga đã gặp tai nạn sau khi cất cánh từ tuần dương hạm chở máy bay Đô đốc Kuznetsov (định danh chính thức của tàu sân bay này), căn cứ nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga. Viên phi công của chiếc chiến đấu cơ này đã phóng ra ngoài an toàn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tai nạn này xảy ra như là một lỗi kỹ thuật trong khi tiếp cận hạ cánh xuống tuần dương hạm chở máy bay Đô đốc Kuznetsov.

Sau tổn thất này, theo Sputnik, hải đội tàu chiến của Nga trên Địa Trung Hải vẫn tiếp tục các hoạt động đã lên lịch với các phi vụ từ tàu sân bay.

“Tuần dương hạm chở máy bay”

Muốn hay không muốn, tai nạn này đã làm gián đoạn hào khí sôi sục mà tuần dương hạm chở máy bay Đô đốc Kuznetsov cùng đoàn tàu hộ tống hùng hậu đã tạo ra từ hôm 15-10 sau khi cơ quan truyền thông của hạm đội Biển Bắc của Nga loan tin chúng đã được gửi đến Địa Trung Hải để tập trận.

Sở dĩ chiếc Đô đốc Kuznetsov được định danh là “tuần dương hạm chở máy bay” chứ không phải là “tàu sân bay” là do được xếp loại lớp tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay (tyazholiy avianesushchiy kreyser, TAKR, TAVKR) trong thời Liên Xô cũ để “né” công ước Montreux.

Theo đó Liên Xô, một nước bên bờ biển Đen, không được đưa qua eo biển Bosporus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ các tàu sân bay có trọng tải trên 15.000 tấn, còn các loại tàu chiến khác thì được phép;

Trong khi đó, các nước không ven bờ biển Đen chỉ được phép đưa tàu chiến có trọng tải dưới 15.000 tấn qua các eo biển này và tổng tải trọng của số tàu chiến được đưa qua cùng lúc không được hơn 30.000 tấn, đồng thời chỉ được lưu lại trong biển Đen dưới 21 ngày.

Công ước này, ký kết năm 1936, nhằm bảo vệ lợi ích của hai nước ven bờ biển Đen thời đó là Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ - không bị tấn công từ trong biển Đen, tuy cũng hạn chế phần nào việc Liên Xô triển khai hải quân ra khỏi biển Đen để vào Địa Trung Hải.

Cái lợi lớn hơn là cái bất lợi, ngay cả ngày nay tàu chiến NATO “quá khổ” không được vượt qua hai eo biển này để vào biển Đen đe dọa Nga. Thành ra tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vẫn cứ được gọi là “tuần dương hạm chở máy bay”!

Máy bay tiêm kích Su-33 hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Vấn đề của Mig-29K

Chiếc Mig-29K gặp nạn hôm chủ nhật 13-11, NATO gọi là Fulcrum-D, là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư 4 ++ dành cho tàu sân bay của Nga, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu nổi và ngầm dưới nước, được trang bị nhằm thay thế dòng máy bay Su-33 đang tới hạn hết sử dụng.

Mặt khác, do thiết kế đích thực dành cho tàu sân bay, Mig-29K nhỏ gọn hơn Su-33 nên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có khả năng chở theo đến 20 chiếc Mig-29K thay vì chỉ 12 chiếc Su-33 như hiện nay.

Do Mig-29K còn quá mới mẻ với các phi công thuộc hải quân Nga, nên vấn đề đặt ra là liệu các phi công này đã thực sự làm chủ kỹ thuật cất và hạ cánh trên đường băng ngắn của tàu sân bay hay chưa.

Tất nhiên, các phi công của Mig-29K đều có thâm niên bay và đều trải qua huấn luyện cất cánh và hạ cánh, đầu tiên là tại một cơ sở huấn luyện có đường băng được thiết kế như một boong tàu sân bay có tên là NITKA, gần thành phố Yeysk, khu vực Krasnodar, phía nam nước Nga.

Một mô hình boong tàu sân bay được thiết kế cho các phi công tập cất cánh và hạ cánh từ một đường băng giống như trên tàu. Các trang thiết bị tại cơ sở này được bố trí tương tự trên chiếc Đô đốc Kuznetsov.

Trong suốt quá trình rèn luyện, mỗi phi công phải thực hiện 400 lần thao tác hạ cánh trên những đường băng giả định được xây dựng với kích thước đúng như đường băng trên tàu sân bay.

Họ phải tập các bài tập kỹ thuật hạ cánh không có đèn báo hiệu trước khi thực hiện hạ cánh trên boong tàu sân bay thật...

Sau giai đoạn tập cất cánh và hạ cánh trên đường băng mô phỏng này, mới đến giai đoạn tập cất cánh và hạ cánh trên đường băng thực sự của tàu sân bay. Việc hạ cánh thực sự lần đầu tiên trên tàu sân bay không phải hoàn toàn suôn sẻ như mong đợi.

Người ta đã nhận ra rằng dù chiếc máy bay Mig-29K đã được thiết kế ngắn đi song vẫn còn quá khổ so với tàu sân bay, buộc phải điều chỉnh lại một số bộ phận của tàu sân bay.

Trớ trêu thay cho Mig-29K là ngay từ khi ra đời dưới thời Liên Xô cũ, hải quân đã không chọn Mig-29K mà đặt mua tiêm kích Su-33 để trang bị cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, dù loại máy bay này có tính năng thua kém so với Mig-29K.

Lý do chính là Su-33 có tốc độ cất cánh và hạ cánh thấp, hoạt động trên tàu sân bay an toàn hơn. Sau khi Liên Xô tan rã, dự án Mig-29K bị ngừng vì không có kinh phí.

Cũng may là năm 1991 Ấn Độ đặt mua 12 chiếc Mig-29K một chỗ ngồi và bốn máy bay Mig-29KUB huấn luyện hai chỗ ngồi, nhằm phục vụ cho phòng không bảo vệ hạm đội và tấn công trên biển của hải quân Ấn.

Trước khi bàn giao vào tháng 12-2009, các máy bay này đều được thử nghiệm trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Tới tháng 1-2010, Ấn Độ ký mua thêm 29 chiếc Mig-29K nữa để trang bị cho tàu sân bay INS Vikramaditya của hải quân nước này, nguyên là chiếc Đô đốc Gorshkov mua của hải quân Nga.

Việc một chiếc Mig-29K bị rơi trong quá trình cất cánh thử nghiệm trên tàu Đô đốc Kuznetsov đã khiến Bộ Quốc phòng Ấn Độ nghi ngờ độ tin cậy của dòng máy bay tiêm kích này.

Cuộc điều tra của Nga kết luận chiếc tiêm kích rơi do lỗi của phi công chứ không vì vấn đề kỹ thuật. Việc chiếc Mig-29K rơi hôm Chủ nhật lại đặt dấu hỏi về số phận của dòng máy bay này.

Song, vấn đề chính yếu không chỉ nằm ở loại máy bay tiêm kích nào trang bị cho tàu sân bay Nga, mà còn là ở bản thân chiếc Đô đốc Kuznetsov nữa.

Mig-29K có vấn đề nghiêm trọng

Cũng trong năm 2016, Cơ quan Kiểm toán tối cao Ấn Độ đã đưa ra kết luận về dự án mua Mig-29K của Nga, trong đó nêu bật những vấn đề nghiêm trọng của dòng máy bay này ở động cơ và hệ thống điện tử, đồng thời không tán thành hiệu suất vận hành của Mig-29K do chỉ nằm trong khoảng 16-39%, tức cứ 10 máy bay thì chỉ có ba chiếc sẵn sàng hoạt động, số còn lại phải nằm ụ để bảo dưỡng.

Cũng thế, hải quân Nga chỉ đặt mua 24 chiếc Mig-29K để thay thế các tiêm kích Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Thế là trung đoàn tiêm kích hạm số 100 đóng trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tới Địa Trung Hải lần này chỉ mang theo bốn chiếc tiêm kích Mig-29K.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quan-su/855801/may-bay-tiem-kich-mig-29k-gap-nan