Máy bay 'nổi loạn' chống lại phi công - chuyện gần 10 năm mới kể

"Hãy ngồi xuống và thắt dây an toàn. Chúng ta đang gặp nguy hiểm", lần đầu tiên sau hơn 30 năm làm phi công, Kevin Sullivan buộc phải thốt ra những lời này.

Sau gần 10 năm, cơ trưởng Kevin Sullivan cũng phá vỡ im lặng và kể chi tiết về những giây phút kinh hoàng đã trải qua trên chuyến bay 72 của Qantas.

Vào ngày 7/10/2008, thời tiết rất đẹp, phi công cùng 2 cơ phó và 12 tiếp viên trên chuyến bay 72 Qantas khởi hành từ Singapore tới Perth, Australia. Trở về buồng lái sau khi đi toilet, cơ phó thứ hai Ross Hales tới ngồi bên phải cơ trưởng Sullivan. Cả hai cùng xác nhận tình hình máy bay "không có gì thay đổi". Khi đó, họ đang để chế độ lái tự động, bay trên biển Ấn Độ Dương tại độ cao hơn 11.000 m và chở gần 300 hành khách.

Sullivan là cựu phi công của hải quân Mỹ, có tay nghề cao. Ông dự định sống ở Australia 3 năm, nhưng sau đó lấy vợ và ở lại đây định cư. Ảnh: Louie.

Vài phút sau, bộ phận lái tự động ngừng kết nối. 5 giây tiếp, chuông báo máy bay đang bay quá tốc độ và đồng hồ báo mất tốc độ cùng đồng loạt kêu ầm ĩ. "Có cái gì đó không đúng, làm sao một chiếc máy bay lại có thể cùng bay với tốc độ tối thiểu và tối đa được?", Sullivan nói với Hales, người ông gặp lần đầu tiên vào buổi sáng hôm đó, khi cả hai cùng ngồi chung trên chuyến xe bus chở phi hành đoàn từ khách sạn ra sân bay Changi. Sau khi quan sát đường chân trời qua buồng lái và kiểm tra chéo các thiết bị, ông phát hiện ra máy bay vẫn bay ở tốc độ bình thường.

"Cậu nên gọi Peter vào đây", Sullivan nói với giọng khẩn cấp. Vài phút sau đó, cơ phó thứ nhất Peter Lipsett bước vào. Anh vừa ra khỏi buồng lái để ngủ theo đúng thời khóa biểu quy định.

Máy bay bất ngờ đâm bổ xuống, rơi tự do gần 50 m trong 2 giây. Sullivan có thể nhìn thấy màu xanh của nước biển. Ông lao tới định điều khiển máy bay bằng tay nhưng vội buông ra. Việc kéo cần điều khiển lúc này có thể khiến máy bay bốc lên và gây mất tốc độ. "Chả lẽ cuộc đời này sẽ kết thúc vào hôm nay sao", Sullivan nghĩ.

Vài giây sau, cơ trưởng giành lại quyền kiểm soát máy bay. Ông cho hạ cánh thấp thêm chút nữa rồi từ từ lấy lại độ cao 11.000 m. Trong buồng lái, chuông báo động vẫn rung lên ầm ĩ.

Hệ thống không hiển thị thông tin do máy tính lỗi, khiến cả hai đều không biết máy bay gặp vấn đề gì.

Sullivan ngồi vào ghế cơ trưởng, điều khiển máy bay bằng tay. Các phi công phát hiện ra một trong 3 hệ thống điều khiển máy bay (PRIM) bị lỗi nên họ khởi động lại. Thông thường, máy bay sẽ do phi công trực tiếp điều khiển. Nhưng với A330, công việc này được giao cho hệ thống lái tự động.

Tuy vậy, máy bay tiếp tục chúi đầu lần nữa mà không có tín hiệu cảnh báo. Trong vòng 15 giây, nó rơi tự do 122 m dù đã khởi động lại PRIM. "Tôi bất lực nhìn chiếc máy bay. Nó không chịu giao tiếp với tôi", Sullivan kể lại trên SHM. Nhận thấy tình hình bất ổn, Sivillan bắt buộc liên lạc với hành khách qua bộ đàm.

Hales cũng được các tiếp viên báo rằng nhiều người đã bị thương nặng do bị văng, quật trên sàn nhà sau hai cú rơi tự do.

Để tránh gây tổn thương thêm cho hành khách, phi công 53 tuổi quyết định cho hạ cánh. Ông phát đi Mayday (tín hiệu khẩn cấp) và dừng khẩn cấp ở sân bay Learmont, gần Exmouth, Tây Australia. Các phi công gõ tên sân bay Learmont lên máy tính đang dùng, nhưng nó chỉ báo lỗi. Họ cũng cố gắng nhập dữ liệu vào hệ thống máy tính nhưng vô ích. Do vậy, muốn hạ cánh họ buộc phải quan sát bằng mắt thường.

Sullivan kể lại khi chuẩn bị hạ cánh, các phi công còn không biết liệu họ có thể dùng bánh xe ở đầu máy bay để điều khiểu khi tiếp đất hay không. Họ cũng phải chắc chắn hệ thống kiểm soát vẫn hoạt động bình thường. Do vậy, cơ trưởng đã cho bay hình chữ S hai vòng trên bầu trời Learmonth để kiểm tra tình hình. Từ độ cao 3.000 m phía trên sân bay, Sullivan hạ thấp máy bay xuống, lao thật nhanh trên đường băng với hy vọng máy bay sẽ không bị chúi đầu thêm lần nữa.

50 phút sau cú rơi tự do đầu tiên, chiếc A330 cuối cùng cũng hạ cánh an toàn. Hành khách vỗ tay vang dội. Trong buồng lái, 3 phi công cũng thở phào. Khi nữ quản lý bộ phận dịch vụ khách hàng của máy bay hỏi cơ trưởng: "Chuyện gì vậy", ông chỉ đáp: "Tôi cũng không biết đang có chuyện gì nữa".

Biết chắc rằng chỉ vài phút nữa mình sẽ nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ phía hãng bay để chất vấn về sự cố, Sullivan lặng lẽ nhắn tin cho cô con gái 20 tuổi đang du lịch ở châu Âu: "Cha ổn, và cha yêu con".

Gần 100 hành khách trong chuyến bay đó bị thương, họ nhanh chóng được đưa tới bệnh viện để cứu chữa. Ảnh: Supplied.

Không ai biết sự thật về những gì đã xảy ra trong chuyến bay hôm đó, danh tính của 3 phi công cũng được giữ kín tuyệt đối. Sullivan nhiều lần từ chối kể lại với báo chí về sự việc đã xảy ra trong ngày hôm đó, cho đến khi ông nghỉ việc ở Qantas và giải nghệ.

3 năm sau vụ tai nạn, Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia tìm thấy dữ liệu chính xác về những gì đã xảy ra trên chuyến bay. Một trong 3 PRIM đã ra lệnh cho máy bay chúi đầu. Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn không thể đưa ra kết luận chính xác vì sao máy tính trên chuyến bay đó bị lỗi.

Sullivan ngừng lái máy bay suốt 8 tháng sau. Khi quay trở lại với nghề, ông vô cùng cảnh giác và bị ám ảnh về việc mất kiểm soát khi máy bay đang ở trên trời.

Các chuyên gia hàng không và nhiều người sau khi biết sự thật về sự kiện QF72 này đã ca ngợi 3 phi công như các anh hùng vì dũng cảm và mưu trí cứu mạng hành khách.

Anh Minh (theo VnExpress)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/may-bay-noi-loan-chong-lai-phi-cong--chuyen-gan-10-nam-moi-ke-175708/