Máy bay MiG trên con đường 'chinh phục' Ấn Độ

Mới đây tập đoàn máy bay MiG cho biết họ sẽ tham gia vào một cuộc đấu thầu mới do Ấn Độ tổ chức nhằm cung cấp máy bay chiến đấu MiG-35 cho nước này.

Bên cạnh hãng MiG, một số tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu như SAAB của Thụy Điển, Lockheed Martin của Mỹ cũng đã được mời tham dự cuộc đấu thầu, và hai hãng này đã lần lượt đề xuất cung cấp phi cơ Gripen và F-16. Yêu cầu lớn nhất mà Ấn Độ đặt ra đó là quá trình sản xuất máy bay chiến đấu của hãng thắng thầu phải được thực hiện hoàn toàn tại quốc gia này. Dự kiến New Delhi sẽ gửi thư mời thầu chính thức trong thời gian tới.

Máy bay MiG-35 của Nga.

“Tập đoàn Máy bay Liên hợp Nga (UAC) cùng công ty máy bay MiG sẽ tham gia vào cuộc đấu thầu sắp tới nhằm cung cấp máy bay cho Không quân Ấn Độ”, một đại diện của UAC cho biết. “Chúng tôi chỉ đợi yêu cầu kỹ thuật cũng như thư mời của chính phủ Ấn Độ, sau đó sẽ gửi cho họ những đề xuất của chúng tôi”.

Theo một số nguồn tin trong quân đội và cơ quan ngoại giao Nga, vào đầu mùa hè vừa qua đại diện của Ấn Độ đã sang Nga và đã bày tỏ sự quan tâm đối với máy bay MiG-35, loại phi cơ mà UAC sẽ cung cấp cho nước này nếu thắng thầu. Nga cũng đã gửi Ấn Độ một danh sách gồm nhiều thiết bị và vũ khí sẽ được trang bị cho máy bay, trong đó bao gồm thiết bị gây nhiễu, các loại tên lửa và bom định hướng.

Trước đó, máy bay MiG-35 đã thua cuộc khi Ấn Độ quyết định chọn mua máy bay Rafale của Pháp, và theo kế hoạch ban đầu hãng sản xuất sẽ cung cấp 126 máy bay loại này cho Ấn Độ. Song do chi phí quá cao và nhiều lý do khác, Ấn Độ chỉ có thể mua về 36 phi cơ chiến đấu và không có được công nghệ chế tạo máy bay như đã hứa.

Ông Andrey Frolov, một chuyên gia quân sự người Nga cho biết: “Hiện thỏa thuận mua máy bay Rafale của Ấn Độ đã được ký kết, song phải đến năm 2019 nó mới được bàn giao. Trong khi đó, máy bay Tejas do Ấn Độ sản xuất trong nước vẫn chưa thực sự sẵn sàng tham chiến. Ấn Độ hiểu rằng họ cần phải hành động nhanh chóng để thay thế các phi cơ MiG-21 và MiG-27 đã cũ”.

Máy bay Su-30MKI của Không quân Ấn Độ do Nga cung cấp.

Ông Frolov cho biết, kết quả của cuộc đấu thầu lần này rất khó dự đoán, bởi các máy bay khác được hứa sẽ cung cấp cho Ấn Độ đang gặp những vấn đề khác nhau. Mặc dù hãng SAAB sẵn sàng chia sẻ công nghệ sản xuất máy bay Gripen cho Ấn Độ, song các linh kiện của nó phần lớn được sản xuất tại Mỹ và các nước phương Tây khác, buộc Ấn Độ phải đàm phán với những quốc gia này để được phép thiết lập dây chuyền sản xuất trong nước. Ngoài ra SAAB chỉ có thể cung cấp phi cơ này sớm nhất là vào năm 2019.

Còn về F-16, ông Frolov cho biết việc thỏa thuận để chuyển giao công nghệ giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ khá dễ dàng bởi Mỹ sẽ ngừng sản xuất máy bay này vào năm 2017. Tuy nhiên, trước nay Mỹ chưa từng bàn giao công nghệ sản xuất máy bay và các loại thiết bị quân sự cho bất kỳ nước nào trên thế giới.

So với hai loại máy bay trên, MiG-35 được các chuyên gia Nga coi là phi cơ lý tưởng có thể thỏa mãn những yêu cầu của Ấn Độ. Chuyên gia Nga Ivan Konovalov cho biết: “Trước đây, máy bay MiG đã thua Rafale trong lần đấu thầu trước vì lý do chính trị chứ không phải kỹ thuật. Với việc Nga và Ấn Độ đã cùng nhau ký kết thỏa thuận cùng cấp Su-30MKI và MiG-29K, lần đầu thầu này có thể sẽ mang lại kết quả thuận lợi”.

Anh Tuấn (theo Russia & India Report)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/may-bay-mig-tren-con-duong-chinh-phuc-an-do-post211819.info