Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc rơi xuống công viên

Chiếc tiêm kích từng là niềm tự hào của không quân Trung Quốc này rơi xuống bãi cỏ ở Công viên Nam Hồ thuộc thành phố Thiên Tân.

Hãng tin phương Đông (EMI) của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết thêm, chiếc J-10 nêu trên cất cánh từ sân bay Dương Thôn thuộc Sư đoàn Không quân số 24 và nguyên nhân của sự cố xảy ra ngày 28/9 này là do chim trời lọt vào động cơ.

May mắn là vụ tai nạn đã không gây thương vong cho người dưới đất còn phi công cũng kịp bung dù thoát nạn.

Hiện Không quân Trung Quốc chưa bình luận về thông tin được truyền thông bên ngoài Trung Quốc Đại lục đưa tin và đang lan truyền trong cộng đồng mạng nước này.

Theo EMI, gần hai năm nay, J-10 liên tục xảy ra sự cố, chỉ trong năm 2015 đã xảy ra 3 vụ: Ngày 22/10 khi bay tập vào ban đêm, một chiếc J-10 bị mất động lực vì sự cố động cơ, rơi xuống khu không người, phi công kịp thời nhảy dù thoát nạn.

Hiện trường vụ tai nạn được lan truyền trên mạng xã hội

Ngày 22/11, một chiếc J-10 rơi xuống huyện An Cát thuộc tỉnh Chiết Giang, phi công cũng kịp nhảy dù; Ngày 17/12, một chiếc J-10 đã bị nổ phi bay tập, hai phi công cũng may mắn nhảy dù thoát nạn.

Gần đây nhất, vào đêm 11/5/2016, một vụ tai nạn máy bay J-10 đã xảy ra ở thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, phi công cũng kịp nhảy dù thoát nạn.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhận khiến J-10 hay gặp tai nạn là do loại máy bay tiêm kích này sử dụng động cơ AL-31 do Nga sản xuất trong khi đó, chất lượng của AL-31 bị cho là có nhiều vấn đề.

Về hỏa lực, máy bay được trang bị 11 điểm cố định để gắn vũ khí và bình nhiên liệu phụ. Khi tham chiến trên không, J-10 có thể mang 10 tên lửa không đối không PL-9, dẫn đường bằng tia hồng ngoại, cùng các tên lửa PL-12 dẫn đường bằng radar. Ngoài ra máy bay được trang bị đại bác 23mm GSh-23 cũng của Nga.

Chiến đấu cơ Trung Quốc J-10

Mẫu J-10 thử nghiệm đầu tiên được cho là hoàn thành vào năm 1995, nhưng một tai nạn nghiêm trọng xảy ra đã khiến toàn bộ chương trình bị đình chỉ để kiểm tra lại đến tận năm 1998.

Các thử nghiệm mới với J-10 được kéo dài cho đến năm 2003. Tiêm kích J-10 chính thức được biên chế trong Không quân Trung Quốc từ năm 2004 nhưng mãi đến năm 2007 nó mới chính thức được giới thiệu.

Mặc dù được coi là "xương sống" của lực lượng không quân nước này, nhưng đến nay nhiều thông số kỹ thuật cơ bản của loại chiến đấu cơ này vẫn được giữ kín.

J-10 tỏ ra phù hợp với vai trò là một tiêm kích bảo vệ không phận, nhưng thiếu khả năng tấn công tầm xa, khả năng tấn công mặt đất cũng chỉ là thứ yếu.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/may-bay-chien-dau-j-10-cua-trung-quoc-roi-xuong-cong-vien-3319950/