Máy bay bỏ tại Nội Bài: Cục hàng không trực tiếp bán

Vì là tài sản thuộc Nhà nước quản lý nên Bộ GTVT giao cho Cục hàng không trực tiếp đấu giá và bán chiếc máy bay bị bỏ rơi tại Nội Bài.

Ngày 26/3, một Phó Cục trưởng được giao trách nhiệm lên phương án bán chiếc Boeing 727 của hãng hàng không Camphuchia - Royal Khmer Airlines bị “bỏ rơi” 10 năm ở Nội Bài cho hay: "Ban đầu định giao cho Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) tiến hành việc bán chiếc máy bay này vì ACV đang trực tiếp quản lý và đơn vị này cũng sẽ được thu lại phần chi phí trông giữ chiếc máy bay này 10 năm qua.

Tuy nhiên, theo tiến trình xử lý sự việc, chiếc máy bay này đã được xem là tài sản thuộc Nhà nước quản lý nên đơn vị đứng ra bán phải là một cơ quan quản lý nhà nước. Và nhiệm vụ này đã được Bộ GTVT giao cho Cục Hàng không".

Báo Tiền Phong cũng đưa tin đến nay, Cục Hàng không đang tiến hành chọn đơn vị thẩm định giá để định giá; sau đó sẽ thông báo mời đấu giá công khai.

Bên cạnh đó, theo một cán bộ tham mưu cho Cục hàng không tổ chức đấu giá, thì vì đây là tài sản chưa gần như từng có tiền lệ trong thẩm định giá tại Việt Nam nên việc tìm đơn vị thẩm định không dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi chọn được đơn vị thẩm định giá, họ sẽ chịu trách nhiệm và có cách làm.

Nếu họ không có khả năng tự làm, họ phải thuê các chuyên gia có chuyên môn để tư vấn.

Chiếc máy bay bị bỏ rơi đang đang đỗ tại Sân bay Nội Bài

Chiếc máy bay bị bỏ rơi đang đang đỗ tại Sân bay Nội Bài

Chính vì chưa có tiền lệ trong thẩm định giá chiếc máy bay này nên đến nay, Cục Hàng không cũng chưa chốt được lộ trình bán chính thức chiếc máy bay này.

Trước đó, từ tháng 5/2007, tàu bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài vì gặp sự cố.

Dù nhiều lần trao đổi nhưng hãng hàng không không xử lý, sau đó, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia thông báo có thể xử lý tàu bay này theo pháp luật Việt Nam.

Từng trao đổi với Đất Việt về sự việc trên, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM HASCON chỉ rõ, tại sao câu chuyện kéo dài mười năm mới giải quyết?

Trước khi máy bay của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) hạ cánh xuống Nội Bài, tất yếu đã phải có hợp đồng ký kết giữa Hãng với Sân bay. Hợp đồng kinh tế Quốc tế này rất chặt chẽ, rất chi tiết, có đầy đủ chế tài đối với tất cả mọi hoạt động (trong đó có dự kiến đến việc máy bay hư hỏng đột xuất, buộc phải tạm thời nằm lại sân bay), hợp đồng này phù hợp với luật pháp Quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp Campuchia, có giá trị pháp lý đầy đủ.

Đáng lẽ, tháng 5/2007, ngay khi vừa xảy ra sự việc, sân bay Nội Bài đã phải thảo luận với chính Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), để giải quyết, theo đúng hợp đồng kí kết giữa hai bên, và theo đúng luật pháp. Lạ đời ở chỗ: tại sao Sân bay Nội Bài không kiện?

Cho dù, tháng 11/2011, hãng Royal Khmer Airlines đã đóng cửa, máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia, nhưng theo luật pháp quốc tế, khi một hãng, một doanh nghiệp đóng cửa thì vẫn có một tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật để xử lý những hậu quả của đơn vị bị đóng cửa.

Tại sao sân bay Nội Bài không liên hệ với tổ chức đó để giải quyết vụ việc, và nếu đã liên hệ nhưng họ vẫn không chịu giải quyết, thì sao không kiện ra tòa?. Phải chăng trong suốt 10 năm "đóng băng", sân bay Nội Bài thấy không bị thiệt hại gì cả, cho nên không cần thiết phải kiện?.

Một vấn đề khác được PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM phân tích, đó là số tiền chi trả cho bãi đậu máy bay đến nay lên tới 10 tỷ đồng, nhưng lại có trường hợp nêu ra bán đấu giá máy bay không đủ tiền chi trả, theo vị chuyên gia hàng không này thì con số bán được 10 tỷ đồng (khoảng 500.000USD), đối với một chiếc máy bay như Boeing phá ra chỉ bán sắt vụn cũng đã được số tiền đó.

"Trong khi đó, chỗ máy bay này đang đỗ phải là đơn vị chịu trách nhiệm từ đầu, không bán được phải chịu, đừng đổ trách nhiệm cho nhà nước, tiền bán được cũng không trả tiền bãi đỗ cho họ, chứ chưa nói đến chuyện ngân sách phải bù tiền", ông Tống nói rõ.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/may-bay-bo-tai-noi-bai-cuc-hang-khong-truc-tiep-ban-3331911/