Mâu thuẫn phát sinh trong cam kết với lọc dầu Nghi Sơn

Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.

Tiền đâu để bù đắp chênh lệch thuế nhập khẩu giữa dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với các cam kết quốc tế? Đây là câu hỏi được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương tại hội thảo "thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế" diễn ra ngày 16-5.

Theo đó, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại. Như vậy, nếu năm 2018 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại thì theo cam kết dự án, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.

Trong khi đó theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các mức thuế nhập khẩu xăng từ thị trường này sẽ giảm về 0% vào năm 2024; còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel sẽ giảm về 0% từ năm 2018.

"Đối chiếu với chu kỳ thuế nhập khẩu có thể thấy phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết dự án Dung Quất. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến” - ông Tuyển nói.

Theo ông Tuyển, trong quá trình đàm phán có nhiều bộ, ngành tham gia, trong đó có cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Đây là lỗi của đàm phán và là khiếm khuyết, bất cập của chúng ta.

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/mau-thuan-phat-sinh-trong-cam-ket-voi-loc-dau-nghi-son-702392.html