Muốn vươn tầm thế giới nhưng MV Kpop đã thực sự hiểu biết về văn hóa nước ngoài?

Không chỉ đẩy mạnh mảng kỹ thuật số, tác phẩm âm nhạc mà giờ đây các MV Kpop cũng đang hướng tới việc vươn tầm thế giới. Nhưng đã có khá nhiều vấn đề trong việc đẩy mạnh thị trường này của các nhà sản xuất Hàn Quốc. Ngày càng nhiều những yếu tố văn hóa được cho là 'nửa vời' xuất hiện trong các MV. Điều này khiến cụm từ chiếm đoạt văn hóa ra đời.

Hàn Quốc là một đất nước rất thành công trong việc dùng các sản phẩm giải trí để quảng bá văn hóa của họ tới các nước trên toàn thế giới.

Họ đã dùng vũ khí này một cách triệt để trên mọi lĩnh vực. Quảng bá về ẩm thực, trang phục, kinh tế của Hàn Quốc thông qua những thông điệp trong các MV ca nhạc, tác phẩm điện ảnh... vv...

Các yếu tố liên quan đến người Mỹ gốc Phi được cài cắm trong các MV ca nhạc Kpop.

Nhưng thay vì tìm hiểu kỹ văn hóa của các quốc gia sẽ hướng đến để có sự chắt lọc, sử dụng cụ thể thì Kpop đã và đang áp cái tôi của họ vào. Hay nói cách khác là chiếm đoạt văn hóa của các quốc gia khác.

Theo Koreaboo, chiếm đoạt văn hóa trong các MV ca nhạc của thần tượng Kpop là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua.

Định nghĩa về chiếm đoạt văn hóa là việc các dân tộc sử dụng phong tục, tập quán của một dân tộc khác mà không hiểu đúng ý nghĩa của nó.

Trong buổi phỏng vấn với Korea Joongang Daily, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc - Lee Gyu Tag - đã giải thích tại sao chiếm đoạt văn hóa là vấn đề gây tranh cãi của nền giải trí Kpop.

Theo giáo sư Lee Gyu Tag, vấn đề này xuất phát từ nhu cầu mở rộng văn hóa ra toàn thế giới của người Hàn Quốc, tuy nhiên họ lại không tìm hiểu sâu về các quốc gia khác.

“Thiếu sót này là nguyên nhân chính của chiếm đoạt văn hóa - những người làm MV ca nhạc Kpop bắt chước một nền văn hóa khác mà không thể hiện sự hiểu biết, tôn trọng của họ đối với nền văn hóa ấy”, giáo sư Lee giải thích.

“Ví dụ, các MV ca nhạc Kpop bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa của người Mỹ gốc Phi, song hiếm ai ở Hàn Quốc hiểu hoặc thực sự quan tâm đến nền văn hóa này”, Lee Gyu Tag nói thêm.

Nguyên nhân khác của chiếm đoạt văn hóa được giáo sư Lee chỉ ra là xã hội Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, hầu hết mọi người có cùng sắc tộc. Do đó, rất khó để người Hàn Quốc hiểu tại sao bắt chước các nền văn hóa khác khi không hiểu rõ lại gây phản cảm đến vậy.

Trái lại, ở các quốc gia đa sắc tộc như phương Tây, sự tôn trọng đối với các nền văn hóa được chú trọng.

Thậm chí, Lee Gyu Tag còn cho rằng người Hàn Quốc đang quá tập trung vào suy nghĩ của người nước ngoài về họ thay vì cố gắng tìm hiểu văn hóa của các quốc gia mà họ muốn mở rộng.

“Một số người Hàn Quốc nói rằng họ quan tâm đến Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Thế nhưng, câu hỏi chính vẫn là ‘Họ nghĩ gì về chúng tôi’? Người Hàn Quốc không thực sự quan tâm đến việc tìm hiểu về lịch sử hoặc văn hóa Mỹ. Điều này giải thích cho việc họ thường xuyên chiếm đoạt văn hóa của người Mỹ gốc Phi”, giáo sư Lee cho biết.

Lisa (BlackPink) trong MV Money.

Theo Lee Gyu Tag, mỗi khi một scandal liên quan tới chiếm đoạt văn hóa xảy ra, cư dân mạng trên toàn thế giới luôn bày tỏ sự lo ngại và cố gắng tìm cách giải thích cho các thần tượng về vấn đề này.

Dù đã có rất nhiều lời xin lỗi từ các idol, diễn viên nhưng thực trạng vẫn đâu có thay đổi. Cái chính là cả những ekip dù đã rất chuyên nghiệp hay mới vào nghề thì đây như mảnh đất màu mỡ và khai thác không ngừng nghỉ.

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/muon-vuon-tam-the-gioi-nhung-mv-kpop-da-thuc-su-hieu-biet-ve-van-hoa-nuoc-ngoai-210580.html