Màu lạ của giấc mơ

Giấc mơ tạo ấn tượng thị giác từ lúc mở màn với dàn nhạc dân tộc xuất hiện trên sân khấu, trang phục được thiết kế sáng tạo, gợi tò mò cho khán giả về tính thể nghiệm của vở.

Đề tài người lính và chiến tranh dễ gây cảm giác cũ kỹ với công chúng. Kịch bản Giấc mơ của tác giả Nguyễn Đình Thi kể về cuộc đấu trí giữa người lính và thần chết, ra đời đã hơn 30 năm. Lời thoại của hình thức kịch thơ, nếu dàn dựng không tinh tế, vở diễn dễ trở thành hô khẩu hiệu. Đây là những thách thức không nhỏ cho Thái Kim Tùng, đạo diễn vừa tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh ở vở Giấc mơ.

Giấc mơ tạo ấn tượng thị giác từ lúc mở màn với dàn nhạc dân tộc xuất hiện trên sân khấu, trang phục được thiết kế sáng tạo, gợi tò mò cho khán giả về tính thể nghiệm của vở. Thế giới âm - dương cách biệt, sinh động với trang phục đời thường xen lẫn trang phục màu xám, phần lai áo lơ thơ vài sợi chỉ theo đường xé vải.

Không gian nửa thực, nửa hư, những cuộc đối thoại giữa anh lính với các nhân vật chỉ còn trên trang sách như Tần Thủy Hoàng, Cleopatra, hay thần chết, trở nên dễ cảm hơn. Giữa không gian ấy, thanh âm của nhị, trống, kèn… vốn thường dùng trong nghệ thuật tuồng đã tạo được hiệu ứng lạ lẫm, thú vị cho người xem.

Đạo diễn đã sắp đặt giai điệu phù hợp với diễn biến, chi tiết của vở diễn, hòa quyện nhịp nhàng, không lộ những “mối nối” ảnh hưởng đến tổng thể tác phẩm và cảm xúc của người xem. Nhịp phách, tiếng trống gõ, vũ đạo, cách thoại lời của một số nhân vật theo phong cách nghệ thuật tuồng, mang đến màu sắc lạ, góp phần đẩy nhanh tiết tấu kịch vốn nặng lời thoại, ít hành động.

Đạo diễn đã dùng nhiều thủ pháp dàn dựng, lúc sử dụng những chiếc khiên, khi dùng diễn viên để tạo hình và thay đổi không gian sân khấu, biến thành những nhân vật khác nhau, khá nhịp nhàng. Nếu thiếu khéo léo và tính toán sai một chi tiết, sân khấu sẽ rất rối. Nhưng Giấc mơ đã vượt qua được.

Thực hiện kịch thơ là điều không đơn giản, nhưng vẫn có chút luyến tiếc khi vở còn thiếu chất bay bổng, lãng mạn cần có ở kịch thơ. Việc đưa dàn nhạc dân tộc lên sân khấu khá thú vị, nhưng hiệu quả sẽ cao hơn nếu nhạc công gắn với diễn tiến của câu chuyện chứ không chỉ để làm nền.

Đôi chỗ, cách xử lý của đạo diễn chưa thật đắt và thiếu chi tiết khiến cảm xúc người xem bị hẫng. Cách vở diễn kết thúc gây ít nhiều hoang mang, dẫu biết là để ngỏ cho người xem tự lý giải câu chuyện nhưng họ cần những chìa khóa để có thể mở những cánh cửa khác nhau.

Giấc mơ có sự tham gia của NSƯT Mỹ Uyên, Bạch Long, Trung Dũng, Lê Vinh, Thu Hiền, Minh Tiến, Như Ý, Tấn Phát, Thùy Linh... Vở diễn suất duy nhất lúc 20g ngày 26/10 tại Nhà hát TP.

Thảo Vân

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/giai-tri/xem-nghe-doc-%e2%80%93-choi/mau-la-cua-giac-mo-84677/