Mấu chốt phải tạo ra chuỗi liên kết nội

Sau lá tía tô, mới đây, một lô hàng thịt gà sạch của Việt Nam khoảng từ 300 - 400 tấn lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản (một trong những thị trường được xem là khó tính nhất thế giới.) Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là tín hiệu vui của ngành nông nghiệp.

Nỗi lo hàng nội, đầu vào Tây

Đánh giá về sự kiện lô hàng thịt gà của một doanh nghiệp ở Long An xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là sự kiện rất quan trọng với ngành Nông nghiệp và bà con chăn nuôi. Bởi vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề rất quan trọng với chúng ta. Việc xuất khẩu lô hàng sang Nhật Bản lần này chứng minh rằng, thực phẩm Việt Nam rất sạch, rất tốt, giá phù hợp. Đặc biệt, sự kiện mở ra một triển vọng lớn đối với ngành chăn nuôi. Bởi sau lô hàng này sẽ tiếp đến trứng, đến thịt lợn, một tương lai không xa chúng ta phải quyết tâm có những thực phẩm khác xuất khẩu vào Nhật Bản.

Về lâu dài cần phải tạo được chuỗi giá trị sản phẩm của người Việt trong việc đưa sản phẩm thịt gia cầm đi xuất khẩu. Ảnh: Đỗ Đạt

Về lâu dài cần phải tạo được chuỗi giá trị sản phẩm của người Việt trong việc đưa sản phẩm thịt gia cầm đi xuất khẩu. Ảnh: Đỗ Đạt

Việc rau tía tô hay thịt gà sạch của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thực sự là một tín hiệu lạc quan và đáng mừng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu như xem xét kỹ các công đoạn để sản phẩm Việt xuất khẩu được vào Nhật Bản thì đó là một niềm vui chưa thực sự trọn vẹn.

Lý giải về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Thu Hiền – Giảng viên Học viện nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu thịt gia cầm lớn nhất thế giới. Năm 2016, nước này nhập khẩu gần 1 triệu tấn thịt gia cầm các loại, chủ yếu từ Brazil, Thái Lan và Trung Quốc. Chính vì vậy, bản thân các doanh nghiệp (DN) Nhật cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung và từ nhiều năm trước họ đã tìm đến Việt Nam.

Với lô hàng xuất khẩu thịt gà sạch lần đầu tiên này, có thể thấy, đây là nỗ lực của chuỗi liên kết từ con giống, thức ăn, trang trại, giết mổ và phân phối với các đơn vị Bel Gà, De Heus và Koyo&Unitek. Chuỗi liên kết trên đã tạo nên một dây chuyền khép kín sản xuất thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất của thị trường Nhật Bản. Trong đó, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) là đơn vị được phía Nhật Bản cấp phép xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến từ Việt Nam vào Nhật. Trước đó, năm 2016, Bộ NN&PTNT phê duyệt “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”.

Theo chuỗi giá trị này, Công ty Cổ phần Bel Gà (thuộc Tập đoàn Belgabroed của Bỉ) cung cấp gà giống và gà đẻ chất lượng, đạt chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận nông nghiệp được quốc tế công nhận). Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn chăn nuôi và giải pháp chăn nuôi hiệu quả đạt chứng nhận GlobalGAP. Hai nguồn nguyên liệu đầu vào này sẽ được giao cho các trại chăn nuôi lớn, chuyên nghiệp đạt chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm gà thịt sẽ được De Heus mua lại và bán cho Công ty Koyu & Unitek (năm 2015 Cty Unitek của Úc chính thức sáp nhập với tập đoàn Koyu Nhật Bản – pv).

Xây dựng chuỗi liên kết nội, thay vì làm gia công cho đối tác

Tại Hội thảo “Hỗ trợ xúc tiến các sản phẩm chăn nuôi sang các nước”, đề cập đến việc thịt gà sạch của Việt Nam xuất khẩu đi Nhật Bản, đa số các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp đều cho rằng, thông tin gà Việt đi Nhật đúng là một tín hiệu vui nhưng chưa trọn vẹn. Bởi trong chuỗi giá trị sản phẩm này, người chăn nuôi Việt chỉ đóng vai trò gia công cho các tập đoàn nước ngoài và trong chuỗi giá trị thì chăn nuôi cũng là khâu ít mang lại giá trị gia tăng nhất.

Cái lợi duy nhất của người chăn nuôi Việt trong chuỗi giá trị sản phẩm thịt gà xuất khẩu đi Nhật Bản chính là người chăn nuôi không cần phải bận tâm đến đầu ra và đầu vào sản phẩm. Tuy nhiên, lợi nhuận của chúng ta trong chuỗi giá trị này lại quá ít. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận điều này vì hiện tại các chuỗi giá trị chăn nuôi của Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng được tiểu chuẩn trong nước…”, bà Thu Hiền chỉ rõ.

Cùng chung quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cũng cho rằng, việc xuất khẩu sản phẩm gà sạch đi Nhật Bản là tín hiệu đáng mừng, nhưng không nên quá lạc quan. Bởi lẽ, hiện các DN Việt vẫn chưa thể tạo ra được các con giống, công nghệ tốt có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu và quan trọng nhất là vấn đề thị trường các DN Việt cũng chưa thể giải quyết được.

“Chúng ta vẫn biết, chuỗi giá trị là khái niệm dùng để chỉ đường đi của sản phẩm, không phải tổ chức. Việc xây dựng chuỗi giá trị là để các DN chia sẻ thông tin với nhau, hỗ trợ nhau. Đồng thời, thông qua các Hiệp hội ngành nghề, các DN tạo dựng mối liên kết và xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu phải thông qua chuỗi giá trị của chính người Việt từ đầu vào đến đầu ra mới là điều đáng mừng”- bà Hồng Minh chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề này, tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, xét về tiềm năng sản phẩm gia cầm của Việt Nam có đủ khả năng để xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều đó các DN có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất thịt gà theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ, hệ thống bảo quản mát, hệ thống cấp đông, kho bảo quản, chế biến bảo đảm an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm, Newcastle…), an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đặc biệt, về lâu dài cần phải quy hoạch được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thực hiện đúng và đủ theo các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình Tổ chức Y tế thế giới về phòng chống dịch bệnh…Như vậy mới tạo ra được chuỗi giá trị của người Việt và sản phẩm của nước ta sẽ tiếp cận được với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mau-chot-phai-tao-ra-chuoi-lien-ket-noi-59944.html