Mấu chốt phải chú trọng tái tạo sức lao động

An toàn và sức khỏe lao động là một vấn đề mang ý nghĩa to lớn đối với nguồn nhân lực, đồng thời có tác động trực tiếp tới hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến điều kiện làm việc và tái tạo sức khỏe cho người lao động (NLĐ).

Tăng ca và những hệ lụy

Chị Nguyễn Thị Nhàn - công nhân một công ty may tại Hải Dương cho biết, chị thường xuyên làm thêm trên 60 giờ/tháng và hệ lụy là thường bị đau bắp chân, mỏi chân do phải đứng nhiều. Thậm chí, trong công ty đã có một vài công nhân bị ngất vì đứng nhiều dẫn đến bị choáng.

Đó là chưa kể công nhân thường xuyên bị mắc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp như mệt mỏi, đau lưng, đau đầu do ngồi nhiều, ít vận động, đau vai, đau tay, mờ mắt.

Lao động làm việc trong nhà xưởng có tiếng ồn lớn cần được quan tâm

Lao động làm việc trong nhà xưởng có tiếng ồn lớn cần được quan tâm

“Tăng ca nhiều dễ dẫn đến những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình”, anh Trần Văn Khoa- công nhân KCN Quang Minh cho biết: Ở khu trọ của tôi, tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh nhiều đôi vợ chồng trẻ đi làm ca về, ai cũng mệt nên người nọ đùn đẩy việc nhà cho người kia dẫn đến cãi vã, gây mệt mỏi và ức chế cho nhau về tinh thần. Vì vậy, nếu tiếp tục tăng ca sẽ tăng tỉ lệ vợ chồng mâu thuẫn, dẫn đến hậu quả hai vợ chồng phải chia tay, chia con là điều đã xảy ra. Đó là thực tế đã diễn ra.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết: Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tăng thời gian làm thêm vượt quá số giờ theo quy định là khá phổ biến (trên 200 giờ/năm) cùng với điều kiện lao động không đảm bảo, tư thế làm việc không thoải mái, gò bó dẫn đến NLĐ giảm sút sức khỏe.

Khi đó NLĐ sẽ làm việc với tâm trạng không thoải mái, bị áp lực thì năng suất lao động không cao mà nguy hiểm hơn là họ mất tập trung, có khả năng sẽ xảy ra tai nạn lao động.

Theo đánh giá của Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN): Thời gian qua, bên cạnh các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, tổ chức bố trí lao động khoa học từ đó bảo đảm điều kiện lao động an toàn, vệ sinh, tuân thủ các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thì cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chưa thực hiện đúng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tổ chức cho NLĐ làm thêm giờ quá quy định của pháp luật.

Các nghiên cứu, báo cáo của các nhà khoa học và bằng chứng khoa học, thực tiễn chỉ ra điều kiện lao động xấu, làm thêm giờ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, suy giảm hiệu suất và sự chú ý, làm giảm năng suất lao động, chất lượng công việc giảm sút, các sản phẩm lỗi tăng lên, tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, sinh non, đau mỏi cơ xương khớp, đau đầu, tăng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, tăng nguy cơ mất an toàn dẫn đến tai nạn và suy giảm sức khỏe thể chất và tâm thần NLĐ; tăng tình trạng tai nạn thương tích và tỷ lệ thương tích phải nghỉ việc; tăng tỷ lệ NLĐ bỏ việc; làm thêm giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của NLĐ, khiến cho NLĐ không còn thời gian tìm bạn đời, lao động có con nhỏ không có thời gian dành cho chăm sóc con cái và gia đình; không có thời gian phục hồi, tái tạo sức lao động, sức khỏe hao mòn nhanh dẫn đến giảm tuổi thọ lao động.

Các kết quả nghiên cứu, khảo sát của các nhà khoa học, báo cáo đánh giá tổng kết tình hình điều kiện lao động và việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và của Tổng LĐLĐVN thời gian qua cho thấy: Trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký và đang hoạt động hiện nay, hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ vốn sản xuất kinh doanh ít, nhà xưởng, thiết bị sản xuất phần lớn là những thiết bị cũ, lạc hậu, mua lại hoặc chưa có điều kiện để mua sắm mới, trình độ công nghệ thấp, người sử dụng lao động và NLĐ hiểu biết về pháp luật lao động còn rất ít, tổ chức công đoàn cơ sở hầu như chưa có.

Nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính cho biết: Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, tăng thời gian làm thêm vượt quá số giờ theo quy định là khá phổ biến (trên 200 giờ/năm) cùng với điều kiện lao động không đảm bảo, tư thế làm việc không thoải mái, gò bó dẫn đến NLĐ giảm sút sức khỏe. Khi đó NLĐ sẽ làm việc với tâm trạng không thoải mái, bị áp lực thì năng suất lao động không cao mà nguy hiểm hơn là họ mất tập trung, có khả năng sẽ xảy ra tai nạn lao động.

Mặt khác ở nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ còn sử dụng nhiều máy, thiết bị lạc hậu, thiếu an toàn với các cơ sở hạ tầng, phương tiện lao động và điều kiện sản xuất không đồng bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đồng thời với nhịp sản xuất tăng nhanh mà môi trường lao động chậm được cải thiện còn nhiều yếu tố ảnh hưởng như bụi, ánh sáng, hơi khí độc, tiếng ồn, tia phóng xạ, chất thải... phát sinh vượt tiêu chuẩn cho phép và có diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tai nạn lao động cho NLĐ.

Vì vậy, đi liền với cải thiện điều kiện làm việc, giảm thời giờ làm thêm và tăng thời giờ nghỉ ngơi cho NLĐ, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tăng cường thanh, kiểm tra về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi đáng kể nhận thức của các bên, góp phần đảm bảo điều kiện lao động và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mau-chot-phai-chu-trong-tai-tao-suc-lao-dong-54403.html