Mặt trăng từng chứa nhiều nước hơn Trái đất

Các nhà khoa học cho rằng mặt trăng từng chứa nhiều nước hơn so với Trái đất ngày nay.

Ảnh mô phỏng Trái đất va chạm với một hành tinh khác để tạo ra mặt trăng.

Tiến sĩ Wim van Westrenen và các cộng sự, đến từ trường đại học Vrije Universiteit ở Hà Lan, đã tiến hành một nghiên cứu để xác định lượng nước trên mặt trăng khi thiên thể này mới hình thành.

Mặt trăng được hình thành khi một hành tinh khác và chạm với Trái đất, tao ra nhiều mảnh vỡ trước khi chúng liên kết lại với nhau và trở thành vệ tinh tự nhiên của chúng ta. Do được tạo ra trong vụ va chạm mạnh, mặt trăng lúc đầu có nhiệt độ nóng đủ để magma trong lõi bị tan chảy.

“Phần lớn mọi người nghĩ rằng mặt trăng hình thành từ các mảnh vỡ của một vụ va chạm giữa Trái đất và một hành tinh khác. Vụ nổ đã giải phóng nhiệt độ rất cao”, tiến sĩ Wim van Westrenen nói. “Bằng chứng là tất cả các điểm trắng trên mặt trăng được tạo từ hàng tấn khoáng chất plagiocla”.

Plagiocla là một loại khoáng chất được tìm thấy trong đá lửa trên Trái đất cũng như mặt trăng. Tiến sĩ Westrenen cho rằng cách tốt nhất để tạo ra một lượng lớn chất này là khởi tạo đại dương magma nóng chảy rồi làm lạnh nó.

Các vết trắng trên mặt trăng có thể giúp xác định lượng nước từng tồn tại trên thiên thể này.

Các nhà khoa học đã tái tạo đại dương magma trên mặt trăng trong phòng thí nghiệm, bằng cách lấy một lượng đá mặt trăng tự chế và nung nó dưới nhiệt độ cũng như áp suất cao giống như những gì xảy ra thực tế.

“Chúng tôi nhận thấy rằng bạn chỉ có thể tạo ra lượng plagiocla chính xác, nếu đại dương magma có nước. Nếu không, lượng plagiocla được tạo ra trong quá trình làm lạnh đại dương magma lớn hơn nhiều so với thực tế chúng ta thấy trên mặt trăng”, tiến sĩ Westrenen nói.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng lượng plagiocla được tìm thấy trên bề mặt của mặt trăng có thể được coi là thước đo lượng nước của thiên thể này ở thời kỳ sơ khai.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/mat-trang-tung-chua-nhieu-nuoc-hon-trai-dat-726831.html