Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác đảm bảo an toàn giao thông

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) luôn nỗ lực bảo đảm TTATGT và kéo giảm TNGT thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết khu dân cư; xây dựng các tổ chức, nhóm tự quản, mô hình điểm; vận động nhân dân xây dựng bảo vệ công trình giao thông.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền ATGT

Hạt nhân tuyên truyền ATGT

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ATGT, TNGT và UTGT hiện nay vẫn đang là vấn nạn của xã hội, hàng năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến đời sống, trật tự an ninh và sự phát triển kinh tế, đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Với tinh thần trách nhiệm, MTTQVN đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định về TTATGT, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của MTTQVN và tiếp tục được tăng cường thời gian tới.

“Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia biên tập, phát hành hàng triệu tài liệu, hỗ trợ tuyên truyền đồng loạt cho hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước; phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng và các tổ chức thành viên tuyên truyền có hiệu quả theo định hướng chung về bảo đảm TTATGT. Cùng các tổ chức thành viên các cấp thực hiện việc phối hợp tuyên truyền, vận động tới nhiều đối tượng ở các khu vực, vùng miền khác nhau, trước hết là tới các cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên; quan tâm đến việc vận động các dòng họ, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản và mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, hàng triệu lượt người đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nhiều tài liệu được phát hành, nhất là trên địa bàn dân cư”, bà Ánh cho hay.

Cùng với đó, MTTQVN các cấp đã tổ chức cho nhân dân, các khu dân cư xã, phường đăng ký cam kết về thực hiện bảo đảm ATGT, theo dõi tổng kết việc thực hiện, vận động hàng triệu lượt gia đình, cá nhân ký cam kết như: Tại Nam Định, Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp với Công ty Quản lý Đường sắt Hà Ninh tổ chức cho 5.000 hộ thuộc các xã có đường sắt đi qua ký cam kết bảo vệ và giữ gìn TTATGT đường sắt; Bắc Ninh phối hợp với Đoạn Quản lý đường sông số 4 phát động, tổ chức cho nhân dân 37/37 xã ven sông Đuống, sông Cầu ký cam kết tham gia bảo đảm TTATGT đường thủy; tỉnh Quảng Nam đã có hơn 300 ngàn lượt hộ, hơn 1.300 nhà trường cùng phụ huynh và học sinh ký cam kết; Hưng Yên tổ chức cho gần 1.000 khu dân cư đăng ký cam kết, trên 220 nghìn hộ gia đình đăng ký không vi phạm; Vĩnh Long xây dựng 17 mục tiêu xây dựng hộ và 18 mục tiêu xây dựng tổ nhân dân tự quản về ATGT. Tại Bình Phước, hàng năm địa phương tổ chức cho 100% khu dân cư và 98% hộ gia đình đăng ký gia đình thực hiện ATGT; Nghệ An tổ chức ký cam kết cho 3.500 lượt hộ gia đình và 83 trường học, 5.000 chủ phương tiện, thuyền viên, người lái cam kết nghiêm chỉnh chấp hành luật về ATGT; TP. Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền về thực hiện văn hóa giao thông cho người đi xe gắn máy và kỹ năng an toàn cho người đi bộ, tổ chức xe loa cổ động, phát hành tin ảnh, tờ bướm, áp phích, pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền; nhiều giáo xứ ở TP. Cần Thơ kết hợp tổ chức các cuộc tuyên truyền tập trung trong các buổi lễ tại nhà thờ; tại các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai…), MTTQVN đã phối hợp với ngành văn hóa biên tập nội dung phát thanh tuyên truyền Luật giao thông bằng tiếng dân tộc, in tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền cấp phát cho MTTQVN các xã, phường, thị trấn và ban công tác mặt trận ở khu dân cư; tổ chức ký cam kết tham gia giữ gìn TTATGT.

Nhiều mô hình hay, kéo giảm TNGT

Cũng theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, một trong những biện pháp hữu hiệu, cần được tổ chức một cách bài bản để bảo đảm TTATGT ở cơ sở hiện nay là duy trì và phát huy hoạt động của các tổ, nhóm tự quản. Do đó, MTTQVN các tỉnh, thành phố đã tiếp tục xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình tự quản ở cơ sở như: “Khu dân cư giữ gìn trật tự giao thông”, “Khu dân cư không vi phạm TTATGT”, “Đoạn đường tự quản”, “Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, “Nhóm hành nghề xe ôm tự quản”, “Đội thanh niên tình nguyện cảnh giới đường ngang”... Bên cạnh đó, các tổ, nhóm tự quản còn thực hiện vai trò trong việc giám sát, xây dựng công trình giao thông, đường làng, ngõ xóm; quản lý hành lang bảo vệ các công trình giao thông cũng như các hoạt động đảm bảo TTATGT khác.

Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình tổ, nhóm và tổ chức hoạt động có hiệu quả, như: Mô hình “Tổ tự quản” của tỉnh Thái Bình, mô hình “Đoạn đường em chăm” của TP. Hồ Chí Minh, CLB “Thanh niên với đội mũ bảo hiểm”, mô hình “Em yêu đường sắt quê em” của ở Nam Định. Tỉnh An Giang xây dựng phong trào “Tổ phụ nữ không có người thân vi phạm TTATGT”; tỉnh Hà Nam phát huy vai trò của 50 tổ tự quản trong việc giám sát xây dựng công trình giao thông, đường làng, ngõ xóm, quản lý hành lang bảo vệ các công trình giao thông...

Cùng với đó, MTTQVN mỗi tỉnh đều chọn ra huyện, huyện chọn xã, xã chọn khu dân cư làm điểm. Những điểm này được quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí, thường xuyên được kiểm tra, hướng dẫn từ đó nhân rộng ra các điểm khác. Ở mỗi khu dân cư đều thành lập ban tự quản, đội tự quản, trong đó ban công tác mặt trận và công an khu vực làm lực lượng nòng cốt, gắn nội dung tuyên truyền TTATGT với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong cả nước. Theo đó, hàng năm có khoảng 200 xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm các mô hình đảm bảo TTATGT và được nhân ra diện rộng.

Qua công tác tuyên truyền, vận động nhiều nơi nhân dân đã tự giác tham gia đóng góp về sức người, sức của, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa công trình nội bộ khu dân cư với giá trị lớn; tham gia giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý trật tự ATGT bảo vệ công trình đường sắt, đường thủy nội địa. Cùng với đó, MTTQVN các cấp phối hợp với ngành chức năng và các cơ quan nhà nước kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hành chính các phương tiện, đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT, các công trình xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang giao thông; cảnh quan môi trường, vận động nhân dân tháo dỡ lều quán, bảng hiệu lấn chiếm hành lang lộ giới qua đó giúp các ngành chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm hành lang ATGT.

“Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức kiểm tra tại một số địa phương, cơ sở và tham gia thực hiện kiểm tra theo chương trình, kế hoạch của Ủy ban ATGT quốc gia; ngoài ra, còn định kỳ hướng dẫn và tổ chức sơ kết đánh giá việc tổ chức phong trào. Nhiều đơn vị, MTTQ đã chủ trì, phối hợp gắn việc sơ kết với tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến về bảo đảm TTATGT từ cấp huyện, thị; tổ chức hội nghị biểu dương gương điển hình tham gia phòng chống đua xe trái phép; liên hoan các điển hình khu dân cư thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT. Nhân Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm, đã kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các khu dân cư thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT. Với sự tham gia chủ động, tích cực của MTTQVN các cấp, phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” đã huy động sức mạnh, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các hội, đoàn thể, góp phần từng bước hạn chế, đẩy lùi TNGT, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn dân cư”, bà Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Thúy Hằng

Nguồn GTVT: http://www.phapluatgiaothong.vn/mat-tran-to-quoc-viet-nam-voi-cong-tac-dam-bao-an-toan-giao-thong-d35026.html